Một số vấn đề trong nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường ở các Quốc gia Đông Bắc Á và khuyến nghị

Friday - 24/06/2022 02:39
Từ ngày 07 đến 09 tháng 11/2013 Hội nghị ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc lần thứ 2 về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đã được tổ chức tại Đại học Kinh tế Chiba – Nhật Bản. Tiêu đề Hội nghị là “Đánh giá tác động là cách thức của xã hội bền vững” (Impact Assessment as Manners of Sustainable Society).
Từ ngày 07 đến 09 tháng 11/2013 Hội nghị ba bên Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc lần thứ 2 về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM)/Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đã được tổ chức tại Đại học Kinh tế Chiba – Nhật Bản. Tiêu đề Hội nghị là “Đánh giá tác động là cách thức của xã hội bền vững” (Impact Assessment as Manners of Sustainable Society).
Hội nghị quy tụ gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia về ĐTM/ĐMC của 3 quốc gia này. Theo lời mời của Ban Tổ chức, ông Lê Trình, Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam đã tham dự. 50 báo cáo, trong đó có 18 báo cáo về ĐMC – lĩnh vực mới mà cả các nước Đông Bắc Á chỉ mới thực hiện trong hơn 10 năm gần đây đã được giới thiệu. Tác giả bài viết này đã trình bày ở Hội nghị báo cáo: “Nghiên cứu ĐMC: các thách thức môi trường Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung Việt Nam đến năm 2020” (dựa vào kết quả nghiên cứu của Dự án do Tổng cục Môi trường giao Lê Trình chủ trì năm 2010) và một poster “Hiện trạng ĐMC ở Việt Nam” (dựa vào các tài liệu của Cục Thẩm định và ĐTM và kết quả ĐMC Quy hoạch Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ do Lê Trình, Lê Thạc Cán chủ trì năm 2008).
ĐTM và cả ĐMC dường như đã quá quen thuộc ở Việt Nam, tuy nhiên do các ĐTM và ĐMC được thực hiện theo khuôn mẫu của quy định về nội dung và hình thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) (đây là yêu cầu cần làm theo quy định của tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế) nhưng lại hạn chế về thời gian, nguồn lực chuyên gia, nên thiếu tính nghiên cứu sáng tạo, ít vấn đề khoa học mới được nêu trong từng tập báo cáo, kể cả các báo cáo cho các dự án lớn Bộ TN-MT thẩm định. Trong khi đó tại nhiều quốc gia, ĐTM và ĐMC được quan niệm không chí là công cụ pháp lý cần phải thực hiện cho dự án hoặc chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (C/Q/K) mà còn là các nghiên cứu khoa học về tác động đến môi trường tự nhiên, sức khỏe và xã hội (kể cả văn hóa, dân tộc, khảo cổ…). Theo quan điểm đó, ngoài báo cáo ĐTM/ĐMC cần phải soạn thảo theo đúng quy định của các Chính phủ về ‘environmental impact statement – EIS (báo cáo tác động môi trường), “tác động môi trường” đã và đang là lĩnh vực nghiên cứu khoa học nghiêm túc thu hút nhiều viện, trường đại học, nhà khoa học tham gia.
Tại hội nghị này nhiều vấn đề nghiên cứu mới về tác động môi trường đã được các học giả nêu ra. Mặc dầu số lượng báo cáo tham gia hội nghị không quá nhiều, chưa thể phản ánh đầy đủ thực trạng về ĐTM/ĐMC ở các quốc gia Đông Bắc Á, tuy nhiên một số vấn đề có giá trị khoa học và thực tiễn nên được chúng tôi chọn lọc làm tổng quan kèm theo nhận xét, liên hệ với Việt Nam với mong muốn cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý môi trường, các đơn vị và cán bộ làm và thẩm định về ĐTM/ĐMC tham khảo để góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý và thực hành ĐTM/ĐMC ngày càng thực chất, đảm bảo chức năng ĐTM/ĐMC là “công cụ” hữu hiệu trong quản lý môi trường theo định hướng phát triển bền vững.
Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam và với ô. Yasusuke Kurosaki, Chủ tịch Hiệp hội GS Sachihiko Harashina, nguyên Đánh giá môi trường Nhật Bản (JEAS). Chủ tịch Hội Đánh giá tác động Quốc tế (IAIA) tại Hội nghị
1. Thực trạng ĐTM/ĐMC ở các nước Đông Bắc Á
ĐTM và ĐMC ra đời và phát triển sớm nhất tại Hoa Kỳ (ĐTM từ năm 1969, ĐMC từ thập kỷ 80 TK20) sau đó là Canada, Tây Âu, Australia, Đông Âu, Đông Á, Đông Nam Á. Tại 3 nước Đông Bắc Á, ĐTM mới được quy định bắt buộc cách đây 24 – 35 năm và ĐMC: chỉ mới được quy định bắt buộc cách đây10-15 năm (chỉ sớm hơn Việt Nam vài năm). Do vậy đến nay ĐTM và ĐMC ở 3 quốc gia này còn khá nhiều hạn chế so với nhiều quốc gia nêu trên
Tại Nhật Bản
ĐTM đã được giới thiệu vào Nhật Bản từ 1972, tuy nhiên đến năm 1984 Chính phủ mới quy định chính thức về thực hiện ĐTM cho các dự án và Luật riêng về “Đánh giá tác động môi trường” (Environmental Impact Asessment Law) được ban hành tháng 6 năm 1997 (Hàn Quốc vào năm 1993, Trung Quốc vào năm 2003 đã ban hành “Luật đánh giá tác động môi trường”, trong khi ở Việt Nam ĐTM vẫn chỉ là 1 chương trong Luật BVMT sửa đổi năm 2014).
Đặc điểm hệ thống ĐTM Nhật Bản là:
(i) Số loại hình cần bắt buộc ĐTM rất hạn chế: ít hơn nhiều so với yêu cầu của Việt Nam: chỉ có 13 loại hình dự án cần lập ĐTM (đường bộ, chỉnh trị sông, đường sắt, cảng hàng không, nhà máy điện, khu đổ thải, cải tạo đất, điều chỉnh sử dụng đất, khu dân cư mới, cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng thành phố mới, tổ hợp trung tâm phân phối, phát triển đất ở và đất công nghiệp do các tổ chức chuyên dụng). Mỗi loại hình có một số kiểu dự án và được chia thành 2 loại (class) dự án: dự án loại 1 (class -1) và dự án loại 2 (class-2), theo quy mô hoặc diện tích. Mỗi loại có yêu cầu riêng về mức độ ĐTM. Tuy nhiên, số loại hình dự án cần ĐTM ít như vậy có thể không phù hợp với nước ta trong giai đoạn hiện nay.
(ii) ĐTM được thực hiện rất thận trọng cả khâu nghiên cứu lập báo cáo và cả khâu thẩm định: 1 báo cáo ĐTM cần trung bình 3 năm (không rõ thời gian chờ thẩm định là bao lâu?) từ khi nghiên cứu đến khi được cấp phép thẩm định (ở Việt Nam thường chỉ mất 0,6 – 2,0 năm đối với dự án quy mô lớn cấp Bộ TN- MT thẩm định (kể cả thời gian chờ) và chỉ 3 – 9 tháng đối với dự án nhỏ do các Sở TN-MT thẩm định, vậy mà còn bị nhiều bộ, ngành, nhà đầu tư than phiền). Chính sự thận trọng này giúp các dự án tại Nhật Bản hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu đến môi trường tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên sự kéo dài quá trình ĐTM gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý môi trường do vậy đã có một số đề xuất “hợp lý hóa/đơn giản hóa (streamlining) quy trình ĐTM” với một số loại hình dự án đặc thù (xem phần 2).
(iii) Mặc dầu ĐTM Nhật Bản là tổng hợp các kết quả nghiên cứu khoa học, tuy nhiên chính các nhà môi trường nước này cũng cho rằng vẫn còn lạc hậu so với một số quốc gia Phương Tây. Trong bài báo “Nhật Bản cần học gì về đánh giá môi trường của Canada” tác giả Akane Otaka đã nêu một số ý sau:
- Ở Canada, đánh giá môi trường đã được đề xuất từ 1973 và Luật Đánh giá môi trường (Canadian Environmental Assessment Act – CEAA) đã được ban hành từ 1992 (giáo trình đầu tiên tác giả bài viết này học về ĐTM từ năm 1987ở Delft là giáo trình của Canada).
- Nhằm khắc phục các điểm yếu về đánh giá môi trường, tăng hiệu quả của hệ thống đánh giá môi trường CEAA được sửa đổi vào năm 2012 với bổ sung các quy định:
+ Có hình phạt với các chủ đầu tư không lập báo cáo đánh giá môi trường;
+ Cấp kinh phí cho công tác tham vấn cộng đồng và thực hiện chương trình giám sát sau thẩm định (follow - up program)
+ Hợp tác và công bố thông tin tác động môi trường với dân chúng.
Theo tác giả, các quy định trên của hệ thống đánh giá môi trường của Canada là tiên tiến hơn Nhật Bản, do vậy Nhật Bản cần học tập.
Ở Trung Quốc
ĐTM và ĐMC đã được quy định và thực hiện tại Hong Kong (Hương Cảng) – Trung Quốc trước cả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiện nay hệ thống ĐTM, ĐMC của Hong Kong đã hài hòa với các quốc gia tiên tiến: không chỉ xem xét các tác động đến môi trường vật lý, môi trường sinh học mà còn đến tác động xã hội, chú trọng sự tham gia cộng đồng và công khai thông tin minh bạch nên được đánh giá thuộc loại tốt nhất châu Á và Hong Kong hiện nay được đánh giá là một trong các nước/vùng lãnh thổ có năng lực cạnh tranh tốt nhất, mức tham nhũng vào loại thấp trên thế giới (tốt hơn nhiều so với CHND Trung Hoa).
Trong khi đó, theo Triệu Tiểu Hồng (Zhao Xiaohong), Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc, mặc dù đã ban hành Luật ĐTM từ 2003 và mỗi năm có đến 30.000 dự án lập ĐTM và ĐMC (thực chất là “ĐTM cho quy hoạch: Plan - EIA” đã được thực hiện cho các quy hoạch phát triển các vùng kinh tế, địa phương, ngành lĩnh vực, các lưu vực sông, các vùng kinh tế ven biển, vịnh biển….nhưng nhiều học giả Trung Quốc tự đánh giá: chất lượng ĐTM/ĐMC ở nước này vẫn còn nhiều vấn đề:
(i) Khi so sánh với hệ thống ĐTM của Trung Quốc với Hàn Quốc Từ Hưởng Lan (Xu Xianglan), GS Trung Quốc giảng dạy ở Đại học Nam Seoul cho rằng các quy định và hiệu quả về ĐTM của Trung Quốc còn lạc hậu: nếu ở Hàn Quốc ĐTM đã được đưa vào Luật từ 1981 và được bổ sung năm 1993 thì Trung Quốc mới có quy định về ĐTM từ 1990 trong Luật BVMT sau đó trong Luật ĐTM 2003. Hệ thống ĐTM của Hàn Quốc là tổng hợp và hiệu quả hơn, trong khi đó ĐTM ở Trung Quốc chú trọng “phòng ngừa là chính”, nặng hình thức, ít thực chất so với Hàn Quốc và với các nước tiên tiến trên thế giới.
(ii) Cũng tự đánh giá về chất lượng của hệ thống ĐTM/ĐMC của Trung Quốc Từ Hòa (Xu He) và Vương Huy Chí (Wang Huizhi), Trung tâm Nghiên cứu ĐMC – Đại học Nam Khai (Thiên Tân) cho rằng hiện nay ĐMC ở Trung Quốc chỉ có hiệu quả ở mức tương đối tốt. ĐMC còn thiếu tính định lượng. Để ĐMC có giá trị dự báo cao hơn cần phải giải quyết 2 vấn đề quan trọng:
- Xác định và xây dựng các chỉ thị (indicators) để đánh giá.
- Tìm các phương pháp định lượng và có thể đo lường được tác động và diễn biến môi trường do thực hiện quy hoạch.
(Đây cũng là các vấn đề mà Việt Nam cũng đang mắc phải, cần được nghiên cứu trong thời gian tới để báo cáo ĐMC không phải là tài liệu chung chung, minh họa cho ý đồ của C/Q/K, kém đặc thù và ít tính dự báo).
(iii) Thách thức trong ĐMC ở Trung Quốc: ĐMC ở Trung Quốc (được phát triển từ ĐTM cho quy hoạch) đã được đưa vào Luật ĐTM từ 2003 thể hiện cam kết của lãnh đạo đất nước về phát triển bền vững. Tuy nhiên theo tác giả Lam Ken-che (Viện ĐTM Hong Kong) phần lớn các nỗ lực trong trong 10 năm qua chỉ là xây dựng quy trình và làm hoàn thiện các kỹ thuật, phương pháp đánh giá. Tuy nhiên về bản chất các phương pháp sử dụng cho ĐMC (thực ra là ĐTM quy hoạch) là chưa phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của quy hoạch, sự tư nhân hóa các công ty nhà nước và thay đổi chính sách, chưa kể tác động do biến đổi khí hậu.
Tại Hàn Quốc
Dựa theo các thông tin từ hội nghị này và hội nghị ĐTM/ĐMC năm 2012 tại Jeju cũng như qua khảo sát của chúng tôi tại Hiệp hội ĐTM Hàn Quốc (năm 2010) hiện nay ĐTM và ĐMC của Hàn Quốc là tiên tiến: cơ sở pháp lý về ĐTM/ĐMC rõ ràng, các phương pháp, quy trình đã được xây dựng hoàn chỉnh và ĐTM/ĐMC đã đi vào chi tiết, có nghiên cứu khoa học. Do vậy, ĐTM/ĐMC đang là công cụ tốt cho định hướng “Tăng trưởng Xanh” với tham vọng đến 2020 Hàn Quốc trở thành 1 trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về Kinh tế Xanh. Các xu hướng chính trong nghiên cứu khoa học về ĐTM ở Hàn Quốc được tóm tắt trong báo cáo của Kim Taehyoung cho thấy từ năm 2008 đến 2012 riêng Viện Môi trường Hàn Quốc (Korea Environment Institute – KEI) đã công bố 106 bài báo trong đó có đến 57 nghiên cứu về ĐTM (chiếm 53,8%). Số lượng công trình nghiên cứu về các vấn đề môi trường đặc thù tăng nhanh và chiếm đến 70,4% tổng số công trình về ĐTM, trong khi số công trình về kỹ thuật ĐTM chỉ chiếm 18,9%.
Trong các năm gần đây các công trình nghiên cứu về tác động do biến đổi khí hậu (BĐKH) và tác động sức khỏe, về năng lượng tái tạo ngày càng nhiều, trong đó số lượng công trình về BĐKH chiếm 4,4% trong tổng số các công trình trong 5 năm qua của KEI.
Sự hài hòa về ĐTM/ĐMC giữa các quốc gia
Khi tổng quan về tình hình ĐTM/ĐMC của các nước châu Á Naoyuki Sakumoto (JETRO Nhật Bản) cho rằng: phần lớn các quốc gia châu Á đã có quy định về ĐTM/ĐMC. Tuy nhiên, trong khi các quy định về ĐMC giữa các quốc gia trong Cộng đồng Châu Âu và Mỹ không có nhiều khác biệt thì các quy định về ĐTM/ĐMC giữa các quốc gia châu Á là không giống nhau. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về đặc điểm kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị, nền tảng văn hóa của các nước châu Á. Để hoạt động ĐMC/ĐTM có sự liên thông giữa các nước châu Á cần tiến tới hài hòa (harmonize) về các quy định, cách tiếp cận, quy trình và phương pháp ĐMC/ĐTM. Tuy nhiên việc này không dễ dàng mà phải được sự đồng thuận giữa các chính phủ các quốc gia trong châu lục này.
1. Các nghiên cứu cụ thể trong ĐTM và ĐMC
ĐTM hoặc ĐMC không chỉ là báo cáo phục vụ một dự án đầu tư hoặc một C/Q/K cụ thể mà còn là là các công trình nghiên cứu khoa học. Trong khi ở Việt Nam chưa có một tạp chí khoa học chuyên ngành về đánh giá tác động nói chung và tác động môi trường nói riêng (mặc dầu đã trên 8.000 (?) báo cáo ĐTM, hàng trăm báo cáo ĐMC đã được thẩm định) thì ở Hoa Kỳ, Châu Âu,Nhật Bản, Hàn Quốc, … mỗi năm đã có hàng ngàn công trình nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh tác động đến tài nguyên, chất lượng môi trường, tác động sinh thái, sức khỏe, xã hội, kinh tế, văn hóa do các yếu tố thiên nhiên hoặc do từng loại hình nhân tác, tại địa điểm và đối tượng cụ thể. Kết quả các nghiên cứu có tính khoa học và cụ thể này chính là cơ sở để dự báo, đánh giá sự thay đổi các thành phần môi trường chịu tác động. Do vậy các dự báo, đánh giá, nhận xét trong nhiều báo cáo ĐTM có độ tin cậy, có tính định lượng, hạn chế được các dự báo, nhận xét, đánh giá chung chung. Một số công trình trong hội nghị được chúng tôi chọn lọc giới thiệu tóm lược dưới đây (kèm nhận xét từ hiểu biết của cá nhân) có thể chưa phải sâu sắc nhất nhưng là minh chứng cho thực trạng nghiên cứu tác động môi trường ở các nước Đông Bắc Á. Các nghiên cứu tập trung vào các vấn đề môi trường bức xúc nhất mà các nước này đang đối mặt: ô nhiễm không khí ở Trung Quốc, động đất – sóng thần, ô nhiễm phóng xạ và vấn đề năng lượng nguyên tử ở Nhật Bản và các tác động sinh thái ở Hàn Quốc.
1.1. Nghiên cứu về tác động ô nhiễm không khí do các nhà máy nhiệt điện đến sức khỏe nhân dân Bắc Kinh
Lý Vĩ (Li Wei), Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đã nghiên cứu dự báo tác hại do ô nhiễm không khí từ các kịch bản sử dụng năng lượng đến sức khỏe của nhân dân thành phố Bắc Kinh vào các năm 2010 và 2015. Bằng mô hình LEAP kết hợp thông số “chết là điểm cuối của sức khỏe” (death as health endpoint) dựa vào nồng độ gây chết của các chất ô nhiễm không khí: bụi PM2.5, SO2, NO2) tác giả đã đưa ra kết luận: nếu người dân Bắc Kinh sử dụng năng lượng theo kịch bản tiết kiệm thì đến năm 2015 số lượng người tử vong do ô nhiễm không khí do khí thải các nhà máy điện sẽ giảm 6501 người so với kịch bản sử dụng lãng phí. Trong số này số tử vọng do SO2 giảm 1200 người, do NO2 giảm 2489 người, do PM2.5 giảm 1693 người. Tuy nhiên đây có phải là con số đáng tin cậy? Tại Hội nghị tác giả bài này đã phát biểu rằng nghiên cứu này chủ yếu giới thiệu về phương pháp dự báo tác động sức khỏe do ô nhiễm không khí nhưng số người chết do khí thải nhà máy điện là chưa thuyết phục vì Bắc Kinh không chỉ bị ô nhiễm do nhà máy điện mà nguồn ô nhiễm không khí rất lớn là khí thải giao thông (có nồng độ bụi PM2.5, SO2, NO2 cao), ngoài ra còn khí thải các nhà máy hóa chất và bụi từ vùng sa mạc phía Tây chuyển về. Do vậy không thể phân lập riêng số người chết do ô nhiễm không khí chỉ từ khí thải nhà máy điện. Tác giả Lý Vỹ cũng công nhận như vậy.
Khí thải giao thông là nguồn ô nhiễm không lớn ở Bắc Kinh (ảnh Lê Trình).
Bầu trời Bắc Kinh u ám do ô nhiễm khí, phía xa là khói nhà máy điện (ảnh Lê Trình).
1.2. Nghiên cứu về tham gia của cộng đồng trong triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm phóng xạ
Sự kiện động đất dẫn đến sóng thần vào ngày 11/3/2012 đã làm thiệt mạng 15.854 người, làm mất tích 3.155 người, phá hủy hàng chục thị trấn, làng mạc ở các tỉnh Đông Bắc đảo Bản Châu (Honsu), chúng tôi đã khảo sát một trong số các thị trấn đó là Ishinomaki ở tỉnh Miyagi ngay sau Hội nghị ĐTM/ĐMC ở Chiba: xem bài viết riêng về chủ đề này).
Cảnh thị trấn Ishinomaki bị sóng thần tàn phá: 3097người chết (ảnh GOOGLE).
và thị trấn Ishinomaki nay đã hồi sinh (ảnh Lê Trình, 11/2013)
Một trong các hậu quả của sóng thần là sự cố dò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima. Để giải quyết hậu quả ô nhiễm phóng xạ Chính phủ Nhật đã quyết định khoanh vùng đất sẽ được xử lý là vùng có cường độ phóng xạ hàng năm trên 1 mSV. Trong thực tế, ngay cả ở Nhật Bản không phải có nhiều người hiểu biết về xử lý chất thải phóng xạ nên để đánh giá về công tác tổ chức và hiệu quả xử lý Takehiko Murayama, GS ĐH Công nghệ Tokyo và CTV đã tổ chức nghiên cứu tham vấn cộng đồng tại vùng có mức phóng xạ này. 3 loại hình tham vấn cấp vùng đã được nhóm nghiên cứu thực hiện:
- Thảo luận về các ảnh hưởng sức khỏe và biện pháp xử lý ô nhiễm phóng xạ.
- Thảo luận về các biện pháp bảo quản chất thải phóng xạ,
- Thảo luận về triển khai các biện pháp xử lý.
Qua tổng hợp các ý kiến của các bên tham gia nhóm nghiên cứu đã đánh giá mức độ công khai thông tin của Chính phủ về ô nhiễm phóng xạ và đưa ra quy trình về tham gia của cộng đồng địa phương trong triển khai xử lý phóng xạ. Như vậy tham vấn cộng đồng không phải là hình thức đối phó theo quy định về ĐTM mà là thực chất, có đóng góp thiết thực cho giải quyết vấn đề rất phức tạp và nóng bỏng: xử lý an toàn chất thải hạt nhân trên diện rộng.
1.3.Các nghiên cứu về khả năng môi trường trong ĐMC
“Khả năng môi trường (environmental capacity)”, “sức chịu tải môi trường (environmental loading capacity)” hoặc “khả năng tự làm sạch” (self- purification) là các khái niệm mới, chưa được thống nhất về nội hàm, cách tiếp cận và phương pháp đánh giá không chỉ ở nước ta mà còn trên thế giới (do vậy ý định đưa vào Luật BVMT sửa đổi (2014) yêu cầu “đánh giá sức chịu tải của môi trường” là vội vàng vì không khả thi và không thể kiểm chứng nếu không có nghiên cứu khoa học, đáng tin cậy và tốn kém về thời gian, kinh phí trong khi số chuyên gia về lĩnh vực này ở ta là rất ít (nếu không muốn nói là chỉ có 1- 2 chuyên gia / đơn vị có độ tương đối tin cậy về đánh giá sức chịu tải cho từng khu vực cụ thể, nhưng số liệu về khí tượng, thủy văn, địa hình, nguồn thải đối với từng sông, đoạn sông, từng khí vực (airshed) ở nhiều vùng là không đủ và các yếu tố KT-TV luôn thay đổi theo từng thời điểm trong 1 ngày, 1 tháng, 1 năm…), do vậy không thể thực hiện được trong khuôn khổ một dịch vụ lập báo cáo ĐTM cho 1 dự án cụ thể).
Trong hội nghị này một số nhà khoa học Trung Quốc đã công bố các công trình về sức chịu tải môi trường ở một số vùng biển và lưu vực sông. Mỗi nghiên cứu này kéo dài trên 1-3 năm, tốn hàng trăm ngàn USD và cần nguồn nhân lực lớn mà cũng chỉ đưa ra một số kịch bản về khả năng chịu tải và vẫn còn bị tranh luận về tính đúng đắn. Một trong các công trình là nghiên cứu của Long Ánh Tiên (Long Yingxian) và CTV, Viện Khoa học môi trường Nam Trung Hoa, về sức chịu tải môi trường của vịnh Bột Hải dựa vào tính toán khả năng tiếp nhận của vịnh biển đối với các tác nhân ô nhiễm điển hình: DIN (các nitơ vô cơ hòa tan), COD (nhu cầu oxy hóa học) và dầu mỡ. Từ kết quả xác định khả năng chịu tải của vịnh Bột Hải (25% và 33% diện tích vùng xả thải sẽ quá mức chịu tải DIN vào các năm 2015 và 2020) các tác giả đã vận dụng lập Kế hoạch Kiểm soát Ô nhiễm trong ĐMC cho Quy hoạch phát triển kinh tế vùng vịnh Bột Hải.
1.4. Xem xét ĐMC về phát triển thành phố sinh thái – châu thổ ở Pusan theo hướng phát triển khôn khéo
Chính quyền tỉnh Pusan (Hàn Quốc) lập quy hoạch phát triển một thành phố tại cửa sông với dự định ban đầu là xây đê ngăn vịnh biển, lấy đất lập thành phố (tương tự như Dự án đê biển Vũng Tàu – Gò Công của Bộ NN-PTNT nước ta). Từ phân tích về tác động môi trường do đê biển: gia tăng ô nhiễm vịnh biển, suy giảm hệ sinh thái nước do ngăn dòng chảy các nhà môi trường Hàn Quốc (theo Jung Juchul và CTV, Đại học Quốc gia Pusan) trong nghiên cứu ĐMC cho quy hoạch này đã đề nghị bỏ phương án xây đê lấn biển, thay vào đó là vẫn mở của vịnh đồng thời phát triển các khu công nghệ cao ít ô nhiễm, lập hệ thống giao thông “xanh”, phát triển các công viên ven biển. Đây là hướng tăng trưởng khôn khéo (Smart Growth) nên đã được chính quyền Pusan chấp nhận.
Bản đồ ven biển TP Pusan, nơi dự kiến Xây đê lấn biển nhưng đã bị điều chỉnh nhờ ĐMC
Trung tâm TP Pusan (ảnh Lê Trình)
 
1.5. Hợp lý hóa quy trình ĐTM đối với loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện Nhật Bản đang đối mặt với các nguồn ô nhiễm cao từ các nhà máy nhiệt điện cũ kỹ.
Để xây dựng các nhà máy điện mới có tải lượng ô nhiễm thấp hơn cần phải dỡ bỏ các nhà máy cũ, công tác dỡ bỏ này cũng đòi hỏi có báo cáo ĐTM. Thông thường hiện nay ở Nhật Bản quy trình lập và thẩm định 1 báo cáo ĐTM cần 3,0 năm. Nếu vậy, công tác tháo dỡ nhà máy cũ và xây dựng nhà máy mới sẽ bị chậm trễ kéo theo là tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường kéo dài. Để giải quyết vấn đề này theo báo cáo của Cục trưởng Cục ĐTM Testuro Uesugi (Bộ Môi trường Nhật Bản) Bộ đã cho phép xây dựng quy trình đơn giản hóa (hợp lý hóa) quá trình lập ĐTM cho loại hình hoạt động này nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng về ĐTM. Theo quy trình ĐTM hợp lý (Streamlined EIA Procedure) các nội dung sau được phép rút gọn:
- Rút ngắn thời gian và rút gọn nội dung khảo sát môi trường, tận dụng tối đa số liệu/thông tin quan trắc môi trường đối với nhà máy đã được thực hiện trong thời gian vận hành.
- Rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định báo cáo ĐTM: Bộ Môi trường và Bộ Công Thương xem xét báo cáo ĐTM đồng thời với chính quyền địa phương (trước đây Bộ Môi trường chỉ xem xét sau khi chính quyến địa phương xem xét và gửi công văn báo cáo).
Nhiều NM điện gió mới được xây dựng ven biển Nhật Bản. Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo thay dần năng lượng hạt nhân
Làng quê vùng bị động đất nay đã hồi sinh

 
Với sự cải tiến này (mà chỉ cho loại hình dự án tháo dỡ nhà máy điện) thời gian lập và thẩm định báo cáo ĐTM chỉ còn 1,0 -1,5 năm: giảm một nữa so với các dự án khác). Tuy nhiên cho đến nay chỉ vài dự án được thực hiện theo quy trình giản lược.
Liệu ở nước ta có loại hình dự án nào cần có quy trình ĐTM giản lược?
1.6. Nghiên cứu về chỉ thị trong ĐTM/ĐMC
 Nếu ở Việt Nam phần lớn các báo cáo ĐTM/ĐMC không áp dụng các chỉ thị (indicators) và chỉ số (indexes) để xác định các tác động của dự án hoặc C/Q/K (mặc dù đây là yêu cầu cần áp dụng đã nêu trong các giáo trình và “hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM hoặc ĐMC”) thì ở các nước tiên tiến chỉ thị và chỉ số được xem là bắt buộc sử dụng trong nghiên cứu dự báo các tác động đến môi trường tự nhiên, xã hội.
Về chỉ thị trong ĐMC Lee Dalbyul, Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc nêu vấn đề xây dựng và khai thác các chỉ thị về sự thích ứng của cộng đồng (community resilience) để đánh giá liệu quy hoạch phát triển có đóng vai trò trong xây dựng cộng đồng bền vững không?. Lấy thí dụ về quy hoạch các công trình: đê biển, sử dụng đất và giáo dục tác giả đã đưa ra các indicators trong lập “kế hoạch giảm thiểu nguy hại” (Hazard Mitigation Plan) nhằm tạo sự bền vững trong phát triển cộng đồng.
2. Một số khuyến nghị về phát triển khoa học, luật pháp và thực hành về ĐTM/ĐMC ở Việt Nam trong thời gian đến
(i) Trong hội nghị còn nhiều báo cáo nghiên cứu tác động cụ thể của các hoạt động đến đời sống sinh vật hoang dã, đến sức khỏe cộng đồng, sự tham gia của cộng đồng nhưng vài thí dụ trên cũng cho thấy hình ảnh về hiện trạng và mức độ phát triển về ĐTM/ĐMC ở các nước Đông Bắc Á là tiên tiến hơn ta dù họ cũng chỉ đi trước ta vài năm – 10 năm về ban hành luật pháp, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM/ĐMC. Đây là các vấn đề các cơ quan quản lý ĐTM/ĐMC, các đơn vị, cá nhân làm trong lĩnh vực này nên tìm hiểu, khiêm tốn học hỏi hoặc rút bài học kinh nghiệm (ngay cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn còn học hỏi các quốc gia tiên tiến hơn về các lĩnh vực này như đã nêu ở trên)
(ii) Trong tương lai gần (đến năm 2020 - 2025) Việt Nam nên có “Luật Đánh giá tác động môi trường” (dĩ nhiên bao gồm cả ĐMC) và đến năm 2020 một tạp chí khoa học chuyên ngành về ĐTM cũng cần được xuất bản để tập trung và khuyến khích các nghiên cứu đặc thù về phương pháp luận và tác động do tự nhiên hoặc hoạt động của con người đến môi trường, sức khỏe, xã hội.
(i) Qua hội nghị và qua nhiều năm tìm hiểu, cập nhật khối lượng rất lớn các tài liệu khoa học về ĐTM, ĐMC của các quốc gia tiên tiến và các tổ chức quốc tế kết hợp với trải nghiệm trong viết sách, dạy học và làm nghiên cứu về ĐTM/ĐMC cho nhiều dự án quốc tế và trong nước chúng tôi muốn nhấn mạnh: trong ĐTM, ĐMC việc dự báo và đánh giá mức độ tác động là quan trọng nhất. Đây cũng là nội dung cần hàm lượng kiến thức cao nhất, vì chỉ có dự báo đúng (hoặc gần đúng) thì mới khoanh vùng tác động, đề xuất biện pháp giảm thiểu, quan trắc, quản lý môi trường. Do vậy nhiều tài liệu cho rằng ĐTM/ĐMC là khoa học dự báo. Muốn dự báo tốt thì đặc điểm môi trường, nhất là các vùng nhạy cảm, bản chất dự án cần được làm rõ. Các phương pháp dự báo, nhất là mô hình (nếu có) phải chuẩn (được công nhận quốc tế chứ không phải là phương pháp “tự tạo”). Vì vậy chúng tôi rất mong Luật BVMT (mới) và các nghị định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM/ĐMC và cả các vị ủy viên hội đồng thẩm định tập trung thích đáng vào nội dung dự báo tác động, không chỉ tác động đến môi trường vật lý (đất, nước, không khí), tác động do chất thải mà đối với nhiều loại hình dự án, vùng dự án: tác động sinh thái và xã hội còn quan trọng không kém.
(ii) Các nghị định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM/ĐMC hiện nay quá tập trung vào chất thải, ô nhiễm và xử lý môi trường (có lẽ các vị biên soạn bị ám ảnh nặng về chức năng của công ty môi trường đô thị?), trong khi khá sơ sài về môi trường sinh học (biological environment, chứ không nên gọi là môi trường sinh thái), môi trường (đặc điểm) xã hội. Thiếu chú ý hoặc không tập trung vào các đối tượng chịu tác động rất quan trọng này thì nghị định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật chưa đạt yêu cầu, dẫn đến sự hiểu biết không đầy đủ về “môi trường” và “tác động môi trường”. Rất mong điều này sẽ được khắc phục trong và sau khi thảo luận, ban hành Luật BVMT mới.
(iii)Trong ĐTM: các biện pháp giảm thiểu, nhất là giảm thiểu ô nhiễm cần nêu các phương pháp, kỹ thuật “chuẩn” đã được khuyến cáo trong các hướng dẫn kỹ thuật, nhất là với các dự án có nguồn ô nhiễm lớn. Tuy nhiên trong ĐTM chỉ cần mô tả nguyên lý của phương pháp giảm thiểu tác động kèm các sơ đồ là đủ, chưa cần đến thiết kế. Hãy để cho chủ đầu tư có cơ hội điều chỉnh công nghệ kiểm soát ô nhiễm phù hợp hơn miễn sao “giới hạn đỏ” là các QCVN phải đạt. Hết sức lưu ý các biện pháp bảo vệ môi trường sinh học: các hệ sinh thái, vùng đất ngập nước, rừng, đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động xã hội. Với các đối tượng này lại phải có biện pháp khả thi, đặc thù địa phương, đối tượng bảo tồn, có tham khảo tài liệu quốc tế, trong nước, chứ không sao chép từ hướng dẫn kỹ thuật.
(iv) Xin hãy đừng có điều, khoản nào trong Luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật yêu cầu báo cáo ĐTM phải nêu rõ: danh mục, số lượng thiết bị bị xử lý môi trường, nước, năm sản xuất; số lượng chủng loại hóa chất, hoặc khối lượng đất thải, số lượng công nhân, số lượng chất lượng xe, máy…Không có hướng dẫn ĐTM của các nước tiên tiến nào nêu yêu cầu bất khả thi như vậy vì thực tế thi công tại hiện trường cụ thể, mua sắm thiết bị qua đấu thầu sẽ khác với những gì đã nêu trong báo cáo nghiên cứu khả thi (nếu báo cáo ĐTM nào cung cấp đúng và đủ các thông tin trên chắc chắn số liệu đó chỉ là phỏng đoán, không đáng tin). Để công tác giảm thiểu được thực hiện sát thực tế và có hiệu quả điều quan trọng trong ĐTM là phải lập Kế hoạch Quản lý môi trường (Environmental Management Plan - EMP) nêu rõ các loại hình tác động trong từng giai đoạn và các biện pháp giảm thiểu tương ứng, tổ chức thực hiện, giám sát. Trên cơ sở EMP này ngay trước khi triển khai xây dựng Chủ dự án (hoặc nhà thầu xây dựng) phải lập “Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường (Site Environmental Management Plan – SEMP). Đến lúc này SEMP mới phải nêu chi tiết từng biện pháp, từng thiết bị xử lý, tính toán cụ thể khối lượng chất thải, xác định và thiết kế các khu đổ thải, lập kế hoạch an toàn, kế hoạch vệ sinh môi trường khu lán trại, kế hoạch kiểm soát ô nhiễm, kế hoạch xử lý xói lở, kế hoạch bảo vệ sức khỏe, kế hoạch trồng rừng đền bù (nếu cần), kế hoạch bảo quản phát lộ khảo cổ ….ở mức chi tiết. SEMP đã và đang được các tổ chức WB, JICA, ADB yêu cầu bắt buộc áp dụng cho các dự án trong giai đoạn xây dựng (trong đó một số dự án VESDEC đang tham gia giám sát môi trường). Do vậy, Luật, Nghị định, thông tư về ĐTM nên bổ sung yêu cầu về lập Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường.
(v) Luật BVMT (mới): xin đừng bỏ quy định bắt buộc về “giám sát hậu thẩm định” đối với các ĐTM. Quốc gia tiên tiến nào cũng xem hậu thẩm là yêu cầu quan trọng để đảm bảo giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tuy nhiên ngoài việc kiểm tra các công trình xử lý môi trường như Cục TĐ và ĐTM và các Chi cục BVMT đang thực hiện, trong “giám sát hậu thẩm định” Luật, Nghị định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật về ĐTM cần quy định bổ sung một mục về “giám sát sự tuân thủ yêu cầu BVMT trong quá trình thực hiện dự án”. Công tác này không chỉ là giám sát chất thải và quan trắc môi trường trong quy định về cấu trúc và nội dung báo cáo ĐTM hiện hành mà là giám sát, đánh giá việc thực hiện của chủ dự án/nhà thầu xây dựng đối với từng biện pháp trong Kế hoạch Quản lý môi trường đã được thẩm định (xem ghi chú ở cuối bài). Công tác giám sát sự tuân thủ này do tư vấn độc lập thực hiện.
(vi) Xin hãy đừng có điều, khoản nào trong Luật, nghị định, thông tư yêu cầu báo cáo ĐTM phải đánh giá sức chịu tải của môi trường. Như đã nêu ở trên, điều này là không thể và không thực tế đối với 1 dự án cả về ý nghĩa, cả về nguồn lực, thời gian, tiền bạc và độ tin cậy của phương pháp (tháng 8/2012 tác giả bài viết này được Bộ KH-CN mời làm Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn đề tài cấp nhà nước về “Đánh giá sức chịu tải môi trường của một số thủy vực tiêu biểu ven bờ Việt Nam phục vụ phát triển bền vững”. Đề tài chỉ nghiên cứu sức chịu tải 3 thủy vực (đầm, phá) mà cần đến 7-8 tỷ , làm trong 3 năm, mà chưa biết liệu có cho kết quả như mong đợi?). Tuy nhiên “đánh giá sức chịu tải của môi trường” có thể yêu cầu với ĐMC vì quy hoạch cho cả 1 vùng lớn, 1 lưu vực sông, việc xác định được sức chịu tải của lưu vực (thủy vực: watershed hoặc “khí vực” airshed), từng sông, từng đoạn sông, từng vùng không khí sẽ cho phép dự báo tác động do triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp, khai khoáng, đô thị, chăn nuôi, thủy sản...trên toàn “thủy vực”, “khí vực” và dựa vào đó để điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên ĐMC khi đó phải bao gồm một tập hợp các nghiên cứu rất cơ bản về khí tượng, thủy văn, địa hình, chất lượng nước, không khí, các nguồn ô nhiễm, mô hình hóa và phải được tiến hành trong thời gian đủ dài với nguồn lực chuyên gia, tài chính lớn chứ không phải cách ta đang làm ĐMC hiện nay.
Ghi chú: Nếu được mời báo cáo về “Lập Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường (SEMP)” hoặc “Đánh giá tuân thủ môi trường” chúng tôi sẽ sẽ trình bày chi tiết về: nội dung, phương pháp lập SEMP, phương pháp giám sát, đánh giá tuân thủ; yêu cầu của các tổ chức quốc tế; kết quả và kinh nghiệm thực hiện qua một số dự án WB, ADB, JICA do VESDEC đã và đang triển khai để các đơn vị khoa học hoặc quản lý có thông tin chi tiết. Một số khóa tập huấn chuyên về ĐTM, ĐMC, Giám sát môi trường có thể được tổ chức nếu đơn vị, cá nhân nào thực sự có nhu cầu nâng cao năng lực để thực hiện cho các dự án trong nước hoặc quốc tế.

Tác giả: VESDEC

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 Seconds