Hiện nay công luận có nhiều ý kiến về chất lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đây là sự than phiền có cơ sở thực tế. Chất lượng báo cáo phụ thuộc vào chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, loại hình dự án, nguồn lực thực hiện, hội đồng thẩm định, ngoài ra còn bị ảnh hưởng gián tiếp do nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành.
Không nên nhận định chung là chất lượng ĐTM ở nước ta là kém: nhiều báo cáo ĐTM do 1 số đơn vị tư vấn Việt Nam thực hiện có chất lượng không hề thua kém (nếu không nói là còn tốt hơn) so với các ĐTM cùng loại hình ở các nước phát triển (Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc…). Tuy nhiên phần lớn các ĐTM này là thực hiện cho các dự án quốc tế của Ngân hàng Thế giới - WB, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và 1 số dự án FDI vì các tổ chức này đặt yêu cầu cao về thời gian thực hiện, nội dung nghiên cứu, nguồn lực chuyên gia và tài chính, công khai thông tin. Các ĐTM này phải do tập thể chuyên gia nhiều ngành khoa học tự nhiên, xã hội, nhiều đơn vị phối hợp thực hiện từ 6 tháng đến trên 2 năm. ĐTM không chỉ nghiên cứu các vấn đề môi trường vật lý (đất, nước, không khí) mà còn phải xem xét chi tiết các vấn đề môi trường sinh học, xã hội; với nhiều loại hình dự án như dự án hồ chứa, thủy điện, giao thông...các vấn đề về dân tộc, văn hóa bản địa, khảo cổ cũng phải được nghiên cứu. Kinh phí ĐTM phải ở mức trên 0,05% - 0,1 % tổng vốn đầu tư. Trong khi đó trong nhiều năm qua vì sức ép tăng trưởng kinh tế nênlãnh đạo nhiều ngành, địa phương xem nhẹ vai trò “ĐTM là công cụ quyết định các dự án đầu tư theo định hướng phát triển bền vững” cho nên nhiều báo cáo ĐTM chỉ là hình thức hoàn thiện thủ tục đầu tư và chỉ nhằm minh họa: “dự án tuy có 1 số vấn đề môi trường nhưng đều có biện pháp giảm thiểu…đề nghị cho phép đầu tư”. Nhiều ĐTM chỉ cần 2-3 tháng, vài người làm, tham vấn cộng đồng hình thức, sơ sài sao có thể chi tiết, minh bạch. Nhiều dự án nạo vét luồng sông, luồng tàu, thủy điện mà chỉ tính phát thải bao nhiêu tấn bụi, tấn SO2 nhưng không dự báo rõ về dòng chảy, bồi xói, sinh thái, dân tộc, sự cố...nhưng được thẩm định. Tình trạng minh họa cho chủ dự ánnhư vậy còn rõ ràng hơn đối với “đánh giá môi trường chiến lược – ĐMC” cho các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương, vùng, ngành.
Để nâng cấp chất lượng ĐTM, theo tôi phải nâng cấp bốn yếu tố.
1. Thứ nhất, cần thấm nhuần quan điểm phát triển bền vững: phát triển kinh tế gắn kết với bảo vệ tài nguyên, môi trường và an sinh xã hội chính từ các cấp cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đến lãnh đạo các địa phương, bộ ngành, doanh nghiệp và dân chúng. Thời gian qua, chúng ta chịu nhiều sức ép từ phát triển kinh tế, chạy theo tăng trưởng GDP mà xem nhẹ các tác động trực tiếp, gián tiếp, lâu dài, không hồi phục đến môi trường tự nhiên và xã hội của nhiều loại hình dự án. Đã có rất nhiều cảnh báo về tác động môi trường và xã hội nghiêm trọng của các dự án bauxit, khai thác mỏ đa kim, titan, thủy điện, công nghiệp, lấn sông, …nhưng hình như lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương vẫn chưa thấm thía. Cho đến khi thảm họa môi trường do Hưng Nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra cho vùng biển Bắc Trung Bộ thì vấn đề ĐTM, nhất là giám sát môi trường sau ĐTM thì mới lo lắng. Chỉ khi nào các cấp lãnh đạo và doanh nghiệp thực sự quan tâm đến phát triển gắn kết với môi trường và xã hội thì khi đó ĐTM mới không là hình thức: ĐTM mới được đầu tư nhân lực, thời gian, kinh phí phù hợp để nghiên cứu và Hội đồng thẩm định mới không xuê xoa với các dự án có ĐTM kém chất lượng.
2. Thứ hai, về pháp lý: với các dự án có quy mô lớn, vị trí nhạy cảm: nên quy định hai bước thực hiện ĐTM. Bước đầu thực hiện trong giai đoạn nghiên cứu lập dự án đầu tư (hoặc nghiên cứu tiền khả thi) theo đúng quy định của Luật BVMT 2015. Ở bước này ĐTM sơ bộ cần đánh giá vị trí dự án có phù hợp về sinh thái, xã hội không?công nghệ có thân thiện môi trường không? hoạt động xây dựng, vận hành có thể gây tác động, sự cố môi trường và xã hội nghiêm trọng hay không? Có nên chấp nhận vị trí, công nghệ, công suất của dự án hay không? Nếu ĐTM sơ bộ được thông qua, thì sau khi có thiết kế kỹ thuật và thông tin cụ thể về các thông số kỹ thuật, phương án thi công, vận hành thì cần thực hiện ĐTM chi tiết: bổ sung, dự báo, đánh giá một cách chi tiết các tác động đến môi trường và xã hội; đề xuất biện pháp giảm thiểu, chương trình quản lý môi trường ở mức chi tiết và hoàn thiện báo cáo ĐTM. Ý kiến này nhiều chuyên gia môi trường đã nêu từ lâu nhưng chưa được Chính phủ/Bộ TN&MT chấp nhận vì cho rằng sẽ cản trở đầu tư (?).
3. Thứ ba: cần xem mỗi ĐTM là tập hợp các nghiên cứu chuyên sâu về các thành phần môi trường vật lý, sinh thái, văn hóa, kinh tế, xã hội; về khoa học dự báo và công nghệ môi trường,…Như vậy mỗi ĐTM phải tập hợp nhiều thành phần chuyên gia nhiều ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, xã hội có kiến thức chuyên ngành và kinh nghiệm; phải có đủ thời gian nghiên cứu và do vậy phải có đủ nguồn lực tài chính. Ngoài ra, hội đồng thẩm định phải gồm các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, được đào tạo về ĐTM. Hội đồng và các ủy viên hội đồng phải khách quan, không bị cấp nào, nhóm lợi ích nào chỉ đạo. Cần công khai thông tinrộng rãi cho chính quyền, nhân dân địa phương, các đơn vị, cá nhân quan tâm, lắng nghe, tiếp thu ý kiếncủa họ về dự án, về các vấn đề môi trường và xã hội trước khi thẩm định báo cáo ĐTM. Chỉ khi có các điều kiện nàychất lượng ĐTM ở nước ta mới được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên liệu các cấp lãnh đạo và chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện này?.
4. Cần xem ĐTM là quá trình, không dừng lại khi đã nhận Giấy thẩm định mà còn tiếp tục suốt vòng đời dự án, bao gồm cả giám sát, quản lý môi trường sau thẩm định. Nhân đây tôi cũng xin công luận và các hội đồng thẩm định, các cơ quan nhà quản lý môi trường hiểu rằng: ngay cả các quốc gia tiên tiến, các tổ chức quốc tế có uy tín cũng chấp nhận rằng: cốt lõi của ĐTM là dự báo nhưng không hy vọng báo cáo ĐTM có thể dự báo định lượng và nêu rõ các giải pháp giảm thiểu mọi tác động, mọi rủi ro về môi trường và xã hội có thể xảy ra trong cả vòng đời của dự án. Rất nhiều yếu tố môi trường và xã hội sẽ thay đổi theo thời gian, rất nhiều vấn đề sẽ phát sinh trong quá trình xây dựng, vận hành dự án, nên không có cơ sở để dự báo ngay từ khi dự án còn trên giấy.
Cũng xin đừng yêu cầu báo cáo ĐTM phải nêu rõ dự án sẽ dùng bao nhiêu máy ủi?, xe tải?, sản xuất năm nào? nhà vệ sinh 3 ngăn hay 4 ngăn?, bao nhiêu tấn bụi đường sẽ phát sinh? (Hội đồng sẽ được nghe số liệu bịa đặt cho hài lòng vì không dự án nào trong giai đoạn nghiên cứu khả thi có thể có số liệu chi tiết như vậy). Cũng xin đừng bắt ĐTM của 1 dự án mà phải dự báo khả năng chịu tải của cả dòng sông trong đó tiếp nhận hàng trăm, hàng ngàn nguồn thải (Hội đồng mà tin kết quả dự báo của ĐTM cho 1 dự án thì sẽ đưa ra kết luận sai lầm về khả năng chịu tải của nguồn tiếp nhận). Vấn đề chịu tải tưởng là khoa học nhưng dễ ngộ nhận vì không thể thực hiện trong ĐTM cho dự án cụ thể.
Sự không thể dự báo không chỉ là vấn đề của ĐTM nước ta mà cũng là ĐTM ở các quốc gia phát triển dù được đầu tư lớn về nguồn lực chuyên gia và tài chính (tôi đã đọc trên 100 báo cáo ĐTM của các quốc gia này nên có thể khẳng định như vậy). Vì vậy, ngoài việc nêu rõ trong báo cáo ĐTM: các vấn đề gì chưa thể dự báo?, các dự báo về vấn đề nào chưa chắc chắn? nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế và cả ở Việt Nam cần xem công tác giám sát môi trường sau khi thẩm định ĐTM là yếu tố quan trọng nhất trong quản lý môi trường của dự án. Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Thông tư 27/2015/TT-BTNMT đã quy định về vấn đề giám sát hậu thẩm định. Đặc biệt với các dự án vay vốn WB, ADB, JICA: các tổ chức này yêu cầu trước khi bắt đầu xây dựng Chủ dự án phải dựa vào các vấn đề và biện pháp chung trong báo cáo ĐTM để lập “Kế hoạch Quản lý môi trường tại công trường – CEMP hoặc SEMP” với các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe rất chi tiết (đến thời điểm, này chủ dự án và nhà thầu xây dựng mới có thể đưa ra các số liệu, thông tin cho tiết về tổ chức thi công, thiết bị. nhân lực, biện pháp giảm thiểu chi tiết….). Giám sát môi trường dựa theo các yêu cầu của báo cáo ĐTM và CEMP là bắt buộc phải thực hiện nghiêm túc (và được cấp kinh phí để thực hiện). Theo đó, cả chủ đầu tư cũng tự tổ chức giám sát các nhà thầu; cơ quan quản lý nhà nước giám sát chủ đầu tư (dự án) và tổ chức cho vay vốn (WB, ADB, JICA…) thuê tư vấn độc lập để giám sát cả chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị tư vấnmôi trường (thí dụ điển hình là các dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành do ADB-JICA tài trợ, dự án thủy điện Trung Sơn do WB cho vay vốn). Nội dung giám sát không chỉ là đo đạc, phân tích đánh giá chất lượng môi trường mà còn phải giám sát đánh giá sự tuân thủ các yêu cầu về thực hiện các biện pháp giảm thiểu và quản lý môi trường, an sinh xã hội trong báo cáo ĐTM được thẩm định. Tổ chức, phương pháp và kết quả giám sát phải minh bạch, không bị chi phối bởi lãnh đạo địa phương, bộ ngành và chủ đầu tư. Bài học từ thảm họa môi trường do Hưng Nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh gây ra cho thấy công tác giám sát môi trường của cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều vấn đề. Nếu chỉ giám sát định kỳ hàng quý (ngay cả hàng tháng), nếu thụ động đợi họ hoàn chỉnh công trình xử lý môi trường mới giám sát; nếu giám sát phải thông báo trước; nếu chỉ “giám sát tự động” bằng thiết bị chỉ đo được vài thông số đơn giản (pH, độ đục, độ mặn, chất rắn lơ lửng, oxy hòa tan…, không nguy hại thì làm sao có thể phát hiện ngay lập tức việc xả với lưu lượng khủng nước thải chứa dầu mỡ, sắt oxyt và các chất có độc tính rất cao như xyanua, phenol, kim loại nặng? Với Hưng Nghiệp Gang thép Formosa nước thải công nghiệp là tác nhân môi trường nguy hiểm nhất nhưng đâu chỉ là nước thải: còn nhiều vấn đề rủi ro về môi trường và xã hội khác đang và sẽ phát sinh. Nếu giám sát môi trường như cách thức hiện nay thì nguy cơ tai biến môi trường khó tránh khỏi. Mà đâu chỉ Formosa. Nếu vẫn tình trạng giám sát môi trường như hiện nay các vấn đề gì đang và sẽ xảy ra (dù thầm lặng hơn) ở khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, các mỏ Núi Pháo – Thái Nguyên, bauxit Đăk Nông, Lâm Đồng, các mỏ than Quảng Ninh, các khu công nghiệp ximăng ở Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nam, Kiên Giang, các cơ sở công nghiệp ở Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang...?
Tác giả bài viết: PGS.TS Lê Trình - Phó Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn