Ghi chép và ảnh: Lê Trình (nhân chuyến đi Nước Lào đầu xuân Kỷ Hợi 2019)
Tôi là người yêu môi trường tự nhiên, nhất là sông và rừng. Sông Mêkông (Mekong/Cửu Long Giang; tiếng Thái, Lào có nghĩa là “sông mẹ”) – bà mẹ vĩ đại cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, nông lâm nghiệp, thủy sản, phát triển các hệ sinh thái, nuôi dưỡng trên 70 triệu người với trên 100 dân tộc, bộ tộc và các nền văn hóa trên đất Tây Tạng, Thanh Hải, Vân Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và miền Nam đất Việt – luôn là nguồn cảm hứng của tôi để tìm hiểu rõ hơn những gì đã được thấy qua phim của Phạm Khắc.
Vì vậy hơn 30 năm qua tôi đã khảo sát phần lớn các sông chính ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, sông Se San, Srepok ở Tây Nguyên. Tết Quý Tỵ (2013) tôi đã tìm đến Mekong ở Campuchia, Tết Nhâm Tuất (2018) tôi đã cố gắng lên tận Vùng Tam giác vàng - nơi Mekong đổ vào Đông Dương. Và từ mồng 2 đến mồng 9 Tết Kỷ Hợi (2019) tôi lại tìm hiểu Mekong và 1 số phụ lưu ở Thượng Lào qua chuyến đi 8 ngày (4 ngày “phượt”). Bài ghi chép có thể bổ ích cho những ai yêu quý dòng sông này để cùng chung tay bảo vệ nguồn nước, các hệ sinh thái và tài sản văn hóa vô cùng quý giá của lưu vực Mekong.
“Sông Mêkông dài 4.909 km bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Lưu vực sông Mêkông có tổng diện tích 795.000 km2 trong đó phần hạ lưu nằm trên lãnh thổ của bốn quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là sông dài thứ 12 và có lưu lượng đứng thứ 10 trên thế giới. Đối với Việt Nam, sông Mekông có một vai trò đặc biệt, nuôi dưỡng hai vùng lớn là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Tây Nguyên, với gần 60% tổng lượng dòng chảy hằng năm của Việt Nam và khoảng 23% tổng dân số nước ta ĐBSCL” (Theo UB Sông Mekong Việt Nam). Tuy nhiên hiện nay là tương lai vùng hạ lưu sông Mekong phải đối mặt với những thách thức rất lớn do suy giảm lưu lượng, gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng ô nhiễm, suy giảm tài nguyên sinh thái và tác động KT-XH do các công trình thủy điện, thủy lợi, khai thác tài nguyên, phát triển công, nông nghiệp, đô thị ở thượng nguồn và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì 90% lưu lượng nước Mekong cung cấp cho ĐBSCL là từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia nên mọi hoạt động sử dụng nước và xả thải ở các quốc gia này đều tác động trực tiếp đến môi trường, tài nguyên và KT-XH ở ĐBSCL. | Bản đồ lưu vực sông Mekong với các đập thủy điện lớn: màu vàng: vùng thượng lưu; màu xanh: vùng hạ lưu (Nguồn: WWF) |
Trong bài này dòng Mekong và các hệ sinh thái, nền văn minh ven sông được mô tả khái quát từ điểm trên cùng (ngã ba biên giới Lào - Thái - Myanmar) dần đến hạ lưu (Luang Prabang, Viênchan (Vientiane), Phnom Penh, Prey Veng, Kampong Cham và ĐBSCL) qua quan sát trực tiếp và hiểu biết của tôi (chỉ có vài câu trong ngoặc kép “…” là trích từ tài liệu tham khảo và thêm 4 ảnh lấy từ internet, có ghi chú từng ảnh) qua các chuyến đi. Thực ra chuyến Kỷ Hợi này tôi phải đi máy bay Sài Gòn – Viênchan - Luang Prabang sau đó mới thuê xe “phượt” 4 ngày, 3 đêm ở Thượng Lào và các nhánh sông đổ vào Mekong với tổng cộng trên 300 km đường bộ qua các vùng rừng núi hẻo lánh.
1. Mekong tại ngã 3 biên giới Lào- Myanmar – Thái Lan (Vùng Tam giác vàng)
Ngày mồng 3 Tết Mậu Tuất (2018) chúng tôi đến Vùng Tam giác vàng – nơi Mekong sau khi vượt các công trình thủy điện ở Vân Nam Trung Quốc đổ vào Đông Nam Á, làm biên giới tự nhiên của 3 nước Lào - Thái – Myanmar và cũng là nơi từng là thủ phủ của nghề trồng cây anh túc, sản xuất và buôn bán thuốc phiện lớn nhất thế giới. Sông ở đây nằm trên địa hình đồi núi thấp, khá khá rộng (gần như sông Hồng tại Phú Thọ), dòng chảy hiền hòa và trong xanh. Bờ Tây là tỉnh Chieng Rai - Thái Lan là khu du lịch lớn với chùa Phật và nhiều tàu khách; bờ Đông là tỉnh Bokeo cực Tây Bắc nước Lào vắng bóng người và tàu bè nhưng có khu kinh tế mới. Bờ Bắc là đất bang Shan của Myanmar chỉ có bãi bồi, rừng cây và vài nhà nhỏ.
Bên trái: Ngã 3 biên giới trên sông: nhánh bên trái (nằm bên trái cù lao là Myanmar; nhánh phải là Lào; Thái Lan nằm ở hạ lưu về bên phải ảnh ngã 3 này (góc dưới bên trái ảnh; Bên phải: Bên bờ phía Thái Lan.
Như vậy, tôi đã gặp Mekong Vùng Tam giác vàng. Từ đây Mekong còn phải vượt qua đoạn đường trên 2.200 km mới về tới Đồng bằng sông Cửu Long! Cảm nhận thật xúc động khi đi tàu trên sông, vục tay xuống dòng nước mát tôi ước tính thời gian các hạt nước này sẽ về đến 8 cửa sông đổ ra Biển Đông!
2. Tại nơi Mekong hợp lưu với dòng Nam Ou
Nam Ou là dòng lớn của Mekong chảy từ biên giới Trung – Lào xuyên suốt tỉnh Phongsaly đến tỉnh Luang Prabang thì hợp lưu với dòng chính Mekông. Sông Nậm Rốm từ Điện Biên cũng là 1 phụ lưu của Nam Ou. Tại ngọn núi đá ngay sau điểm hợp lưu Nam Ou – Mekong có động Pak Ou với 2 động đá vôi lớn. Các hang động này chứa hơn 4.000 tượng Phật cổ có từ hơn 300 năm trước với đủ kích thước (có tượng chỉ cao vài cm; có tượng đến trên 10m) do người dân Lào cất giấu khi kinh đô Luang Prabang bị ngoại xâm. Muốn đến các động này phải đi thuyền từ bản Pak Ou ở bên kia sông hoặc đi tàu thủy du lịch từ TP Luang Prabang mất hơn 3 giờ.
Ngày mồng 6 Tết Kỷ Hợi tôi đã đến nơi hợp lưu Mekong – Nam Ou và vượt sông đến chiêm ngưỡng động Pak Ou.
Bên trái: Dòng chính Mekong sau hợp lưu với Nam Ou; Bên phải: Dòng Nam Ou gần điểm hợp lưu với Mekông (phía xa là dòng Mekông). Trên sông Nam Ou có rất nhiều dự án thủy điện đang được xây dựng và quy hoạch.
Ngày nay động Pak Ou và dòng Mekong tại đây đã là điểm du lịch lớn. Giá trị văn hóa Lào, người dân hiền lành, thực thà; cảnh quan đẹp, thanh bình là nguồn thu hút vài trăm du khách quốc tế mỗi ngày. Đây là điều nước ta chưa làm được với các dòng sông Hồng, Đà, Mã, Hương, Thu Bồn, Đồng Nai, La Ngà, Cửu Long… thơ mộng.
Du khách chèo thuyền trên dòng Mekông và cưỡi voi dạo chơi dọc bờ sông. Thật yên bình, lãng mạn; du khách thích thú, cảm giác an toàn, vui vẻ khi đến dòng sông này
Bên trái: Bản Pak Ou tại nơi hợp lưu 2 sông: nhà cửa khang trang, có điện, nước sạch; Bên phải: Một cửa hàng tạp hóa trong bản.
3. Mekông tại TP Luang Prabang
Ngày mồng 3 Tết Kỷ Hợi từ Viênchan (Vientiane) tôi đến Luang Prabang cách trên 300 km về phía Bắc – tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên và cố đô của Vương quốc Lane Xang (Triệu Voi) và Vương quốc Lào từ thế kỷ 14 đến năm 1946. Trước năm 1975, đây vẫn là thủ đô hoàng gia Lào. Thành phố cổ kính, đặc trưng văn hóa Lào chỉ có khoảng 23.000 dân đã được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới về kiến trúc, tôn giáo và văn hóa với rất nhiều chùa Phật cổ, những dãy phố cổ với các căn nhà chỉ 1-2 tầng, mái ngói sẫm màu, yên bình có cảm tưởng như Hội An trên đất Lào. TP có các công trình đặc biệt nổi tiếng hàng năm thu hút hàng trăm ngàn du khách nước ngoài: Cung điện Hoàng gia, bảo tàng quốc gia Lào, các ngôi chùa cổ: Wat Xieng Thong, Wat Saen, Wat Xieng Muan, núi Phousi… Khó tưởng tượng giữa vùng núi rừng cao rất sâu trong lục địa, dân thưa thớt này mà người dân Lào đã xây dựng một kinh đô với rất nhiều đền đài, chùa tháp nguy nga như vậy. Đặc biệt Luang Prabang nằm trên nơi hợp lưu giữa dòng chính Mekong và dòng Nam Khan nên càng tăng vẻ đẹp tự nhiên hiếm nơi nào ở Lào có được.
Ngay buổi chiều ngày đầu tiên tôi đã háo hức lên tàu đi dọc sông Mekong. Dù cách các cửa sông ở Bến Tre đến Sóc Trăng trên 2.000 km về thượng lưu nhưng Mekong tại Luang cũng rộng hơn sông Đà sau thủy điện Hòa Bình, sông Sài Gòn ở bến Thủ Thiêm; tàu nhỏ đi lại dễ dàng.
Bên trái: Dòng Mekong bao quanh thành phố Luang Prabang, sông rộng và sâu. Nước sông không trong như ở các phụ lưu Nam Ou, Nam Khan, có vẻ đã bị ô nhiễm từ thượng lưu theo dòng chính. Bên phải: Khói lam chiều ven sông: gợi nhớ ký ức miền quê Bắc Bộ Việt Nam vài thập kỷ trước.
Bên trái: Cảnh hoàng hôn kỳ ảo trên Mekong; Bên trái: điểm hợp lưu dòng chính Mekong và Nam Khan tại Luang Prabang.
Bên trái: Một góc phố cổ ven sông: gợi nhớ Hội An. Người dân Luang cũng hiền lành, chân chất như người Hội An (gốc), phố cổ đậm nét văn hóa bản địa nên có sức hút du khách: đến đây 1 lần lại muốn đến lần nữa. Hiện nay du khách nước ngoài đến Luang đã khá đông nhưng vẫn ít so với Hội An; Bên phải: Dòng Nam Khan và một góc Luang Prabang cổ kính, thanh bình (tôi chụp từ đỉnh núi Phousi chiều mồng 4 Kỷ Hợi).
4. Dòng Nam Khan và rừng tự nhiên Thượng Lào
Nam Khan cũng là chi lưu khá lớn của Mekong, bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Houaphan đổ vào Mekong tại TP Luang Prabang. Ngày mồng 5 Tết Kỷ Hợi tôi đi thác Tak Sae cách Luang khoảng 30 km về phía Nam. Muốn vào thác phải vượt sông Nam Khan bằng ghe. Ấn tượng mạnh về rừng tự nhiên Bắc Lào trên tất cả các tuyến đường đi và ven sông Mekong: hầu như toàn bộ đồi núi đều có rừng che phủ bằng rừng khô lá rộng với các loại cây họ Dầu (Dipterocarp species), rừng tếch (giá tỵ) hay rừng thường xanh với các cây gỗ cao 20-40 m (theo thống kê của FAO: dù rừng Lào đã bị suy giảm nhưng vào năm 2005 vẫn chiếm trên 16 triệu ha (khoảng 70% diện tích tự nhiên cả nước), trong đó rừng nguyên sinh (primary forest) còn đến 1.490.000 ha; rừng tự nhiên thứ sinh (modified natural forest) đến 14.428.000 ha; không có mảng rừng nào trồng keo, bạch đàn ngoại nhập như ở ta.
Bên trái: Rừng tếch (Tectona grandis)- loại rừng khô rất phổ biến và rừng tự nhiên thường xanh ven sông Nam Khan (khắp nơi ở Thượng Lào đồi núi đều được rừng tự nhiên che phủ); Bên phải: Rừng tự nhiên thường gặp trên đường tôi qua
Bên trái: Trong rừng Thượng Lào mồng 6 Kỷ Hợi; Bên phải: Lần đầu cưỡi voi trong rừng Lào: không cảm xúc đặc biệt; chỉ thấy tội nghiệp cho các bác voi ở đây và ở Dak Lak phải phục vụ khách suốt ngày.
5. Mekong ở Viênchan
Từ Luang Prabang Mekong chảy qua các cánh rừng già, bản làng Lào và vài thị trấn vòng vèo khoảng 350 km về xuôi thì đến TP Viênchan – Thủ đô Cộng hòa DCND Lào. Mekong tại đây rộng hơn, có cù lao như bãi giữa sông Hồng tại Hà Nội. Từ Viênchan xuôi về tỉnh Salavan Hạ Lào Mekong là biên giới tự nhiên Lào - Thái. Vùng nội đô Viênchan chỉ rộng 130 km² nhưng dân số trên 200.000 người, mật độ khá cao.
Bên trái: Mekong tại Viênchan – Bờ phải cù lao là tỉnh Nong Khai – Thái Lan (ảnh tôi chụp từ máy bay); Bên phải: Tượng vua Chau Anouvong (1767-1829) nhìn ra Mekong.
Cũng như Luang Prabang, Viênchan là thành phố cổ kính dù chưa hiện đại, không có nhiều khu vực đẹp, hầu hết các đường phố không có hàng cây xanh (điểm trừ lớn của TP này); không sống động, chưa có siêu thị lớn, các shop hào nhoáng; hiếm người sử dụng thời trang mốt như Hà Nội, Sài Gòn và các TP lớn nước ta nhưng lại an lành hơn. Rất lạ là người Viênchan có thu nhập còn thấp so với dân các đô thị Việt Nam nhưng TP này có mật độ xe con hơn hẳn Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và có rất ít xe máy (tôi đếm thử tại nhiều ngã tư: 10 xe con mới có 2-3 xe máy). 2,5 ngày ở thành phố này tôi không thấy bóng cảnh sát nhưng chưa chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn, bóp còi inh ỏi, hoặc cự cãi, đánh lộn. Người dân hiền lành, thực thà; các đường phố không có băng rôn panô khẩu hiệu, không có loa phường, loa phát thanh công cộng. Tương tự như các chùa ở Myanmar, Thái Lan, Campuchia: các chùa Lào cổ kính, nhiều tượng, tranh cổ, tôn nghiêm, yên tĩnh, không có cảnh chen lấn, cúng đồ mặn, không rải tiền, không nói to (khác hẳn các chùa ở miền Bắc nước ta) nên thu hút rất nhiều du khách trong, ngoài nước viếng chùa (vé thăm chùa: 10.000 – 20.000 Kip = gần 30 – 60.000 VND, nguồn thu lớn). Các điều này cho ta cảm giác thư thái, sống nhẹ, văn minh. Đó là ưu điểm rất lớn của đất nước Lào, gây ấn tượng tốt cho cư dân địa phương và khách quốc tế (4 điều tệ về văn hóa công cộng ở khá nhiều TP lớn, khu du lịch Việt Nam gây “sợ hãi” cho du khách trong, ngoài nước là: giao thông hỗn loạn, ồn ào; thiếu nhà vệ sinh sạch sẽ; “chặt chém” khi có thể; và chen lấn làm cho du khách mất thiện cảm và bất an thì ở Lào cũng như nhiều nước ASEAN: Singapore, Malaysia, Thailand, Myanmar không hoặc hiếm xẩy ra)
Bên trái: Khu phố mới khá hiện đại ven bờ Mekong. Tại đây bờ đê sông rộng rãi là nơi dân thủ đô thư giãn và có nhiều restaurant ban tối luôn đông khách; Bên phải: Cầu Hữu nghị Lào –Thái nối Viênchan và Nongkhai; cầu dài 1.117 m, 4 làn xe; cũng như cầu Mỹ Thuận ở ĐBSCL cầu này do Chính phủ Úc viện trợ, hoàn thành năm 1994 (ảnh này từ internet). Ngày nay từ Thủ đô Lào đến Nongkhai chỉ mất 30 phút; đến Udon Thani chỉ 60 phút và thủ đô Bangkok của Thái Lan chỉ 9,0 giờ theo đường bộ cao tốc trên 600 km.
Bên trái: Đại lộ chính với Vatuxay (Khải Hoàn Môn) – đây là con đường đẹp, rộng nhất thủ đô; Bên phải: Cảng hàng không quốc tế Wattay – biểu tượng của nước Lào cất cánh. Theo Wikipedia: hiện nay CHK chỉ có 1 đường băng 3.000m, phục vụ hơn 800.000 lượt khách/năm; dự kiến đến năm 2025, lượng hành khách hàng năm tại đây sẽ đạt tới 2 triệu lượt người (còn quá khiêm tốn so với CHK Đà Nẵng, Cam Ranh).
6. Bí quyết “sinh tồn” khi khảo sát vùng sâu Thượng Lào
Dù không biết tiếng Lào và phần lớn người Lào không biết tiếng Việt nhưng mọi người dân tôi đã gặp dù ở thành phố hay vùng rừng núi xa xôi dù ít nói nhưng đều hiền lành, thực thà nên tôi khá dễ dàng “sinh tồn” trên suốt mấy ngày đêm khảo sát vùng rừng núi. Ăn uống thì có sẵn ở quán cóc trong bản; chỗ nghỉ đêm là nhà dân ven đường. Mình chỉ cần thân thiện, vui vẻ, không chê món ăn, chỗ nghỉ và thanh toán đầy đủ (họ nói bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, không sợ bị “chặt chém”). Đã từng trải qua thời chiến gian khổ nên tôi dễ thích nghi, lại vui và khỏe hơn khi làm trong văn phòng máy lạnh. Tôi mang theo đủ cơ số các loại thuốc cảm, tiêu chảy, sốt rét, xua côn trùng, băng gạc, lương khô, chăn mùng… mà không phải dùng đến (anh em yếu sức nhớ mang đủ thuốc chuyên dụng vì ở đây khó kiếm).
Các món khoái khẩu vừa rẻ vừa bổ dưỡng là bắp nướng, khoai nướng, chuối nướng, cá sông nướng, gà nướng, bún lòng, nước đóng chai ở bản nào cũng có. Mỗi bữa chỉ tốn độ 15.000-20.000 kip Lào (khoảng 40.000 – 55.000VND) là đủ dinh dưỡng.
7. Mekong ở Phnom Penh - Campuchia
Từ Viênchan Mekong lại về xuôi trên 1.800km thì đến Phnom Penh – Thủ đô Vương quốc Campuchia. Từ Kratie (thượng lưu Phnom Penh gần 180 km) Mekong bắt đầu tạo ra vùng đồng bằng có địa hình thấp, bằng phẳng kéo dài đến hết Vùng ĐBSCL của Việt Nam.
Qua cửa sổ máy bay từ Viênchan đến Pnom Penh mồng 10 Tết Kỷ Hợi (2019) tôi đã chụp được thành phố này từ trên cao.
Bên trái: Phnom Penh là thành phố ngã ba sông Mekong và Tonle Sap. Mekong chuyển nước về Việt Nam còn Tonle Sap chuyển nước Mekong vào Biển Hồ. Biển Hồ là thủy vực điều tiết nước cho Campuchia và ĐBSCL, vì vậy ĐBSCL chỉ có mùa nước dâng (nước nổi) vào tháng 9 -11, chứ không bị lũ tàn phá; Bên phải: Một số công trình và 1 khu đô thị mới đang được xây dựng ven sông Mekong ở Phnom Penh.
Bên trái: Trung tâm Phnom Penh nhìn từ máy bay: thành phố này có diện tích 678,5 km² với trên 1,5 triệu người đang phát triển nhanh: cách đây 5 năm chỉ mới vài tòa nhà trên 20 tầng, nay có vài chục tòa như vậy đã hoàn thiện hoặc đang xây; Bên phải: Cảng hàng không quốc tế Phnom Penh (Pochentong): biểu tượng của Phnom Penh đang cất cánh. Theo Wikipedia: CHK này có 1 đường băng trên 3.000 m, có thể phục vụ 2 triệu lượt khách/năm. Từ TP HCM muốn đến Viênchan bằng Vietnam Airlines phải transit tại đây.
8. Mekong tại các tỉnh Prey Veng và tại Kampong Cham - Campuchia
Đầu năm mới 2013 tôi đã đi xe vượt sông Mekong bằng phà tại Neak Luang thuộc tỉnh Prey Veng đến Pnom Penh. Trên đường quay về TP HCM chúng tôi lại vượt Mekong bằng cầu tại TP Kampong Cham. Sông Mekong tại các điểm này đã rộng như sông Tiền ở Đồng Tháp, Tiền Giang nước ta.
Bên trái: Phà Neak Luong. Tại đây đầu năm 1979 Quân đội Việt Nam đã vượt Mekong tiến vào giải phóng Phnom Penh khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot; Bên phải: Đoạn Mekong chảy qua Kongpong Cham – TP lớn thứ 3 của Campuchia.
9. Và sông Tiền, sông Hậu ở Việt Nam (đoạn này không liên quan đến các chuyến đi Lào, Thái, Campuchia của tôi)
Sau khi chảy qua Phnom Penh sông Mekong chia làm 2 nhánh lớn đổ về Việt Nam: nhánh Mekong đến lãnh thổ Việt Nam được gọi là sông Tiền; nhánh Bassac đến lãnh thổ Việt Nam được gọi là sông Hậu.
Sông Tiền đổ ra Biển Đông qua 6 nhánh (cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu); sông Hậu đổ ra Biển Đông qua 2 nhánh (Định An, Trần Đề). Tất cả chỉ 8 nhánh sông nhưng Cửu Long (chín rồng) vẫn là tên chung của các dòng sông này. Với lưu lượng lớn, chở nặng phù sa sông Mekong đã và đang bồi đắp ĐBSCL thành vùng đất màu mỡ nhất trong lưu vực.
Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long xác định: “ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công”. Tuy nhiên đây vẫn là vùng dường như chưa được đầu tư thích đáng: cả 13 tỉnh thành có diện tích lớn hơn 2,7 lần, dân số bằng 86% Vùng Đồng bằng Sông Hồng, với mật độ sông, kênh rạch dầy đặc với hàng vạn km mà chỉ có 40 km đường cao tốc, 5 cầu lớn vượt sông, không có cảng nước sâu, không có đường sắt; hạ tầng đô thị, giao thông, năng lượng, văn hóa, giáo dục, y tế kém phát triển so với Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Hồng và vùng ven biển Nam Trung Bộ.
Bên trái: Sông Tiền với nhiều cù lao tại Mỹ Tho – TP lớn thứ 2 ở ĐBSCL (miền Tây Nam Bộ) với dân số trên 270.000 người, nhiều hơn Viênchan. Sông này cũng như các sông, kênh kênh rạch miền Tây có 5 chức năng: là nguồn cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, thủy sản, là đường giao thông chính và cũng là nguồn tiếp nhận mọi loại chất thải từ các khu dân cư, KCN và tàu bè. Đây là nguyên nhân vì sao sông rạch miền Tây đang bị ô nhiễm; Bên phải: sông Hậu với cầu Cần Thơ nối Vĩnh Long và TP Cần Thơ (2 ảnh này từ Internet).
Bên trái: Vùng cửa sông Mekong có hệ sinh thái rừng ngập mặn đã từng có diện tích 250.000 ha (1950) đến nay chỉ còn khoảng 80.000ha. Đây là nơi phát triển các loài thực vật ngập mặn, các loài thủy sản, động vật lưỡng cư, bò sát và chim, thú. RNM còn có giá trị cực kỳ quan trọng trong ứng phó biến đổi khí hậu, lấn biển, bảo tồn ĐDSH, phát triển thủy sản và xử lý ô nhiễm vùng ven biển; Bên phải: Mekong là thủy vực cung cấp nguồn lợi thủy sản lớn nhất cho Lào, Campuchia và Việt Nam. Tại đây có nhiều loài cá khủng như cá trê, cá tra, cá hô khổng lồ không có ở các thủy vực khác trên thế giới. Ảnh cá hô (Catlocarpio siamensis) trên 50 kg được bắt ở sông Cổ Chiên tại Vĩnh Long – 1 trong 8 nhánh của Cửu Long Giang (ảnh cuối này cũng từ Internet). Nghe nói có con cá hô nặng trên 300 kg! Với tác động do phát triển hồ đập ở thượng lưu và săn bắt: các loài thủy quái quý hiếm này sẽ không còn.
Lời cuối
Tôi đã đến 24 quốc gia để học hành, hội họp, làm việc, tham quan nhưng chưa chính thức đến nước bạn Lào láng giềng thân thiết nhất nên quyết tâm chọn hướng xuất hành đầu xuân Kỷ Hợi là đi Thượng Lào.
Chuyến đi Lào đầu Tết Kỷ Hợi 2019 ngắn nhưng cho bài học quý: dù là đến nước lớn giàu mạnh như Mỹ, dù là nước nhỏ còn nghèo như Lào, Myanmar, Nam Phi tôi đều nhận thấy mỗi nơi đều có sự đa dạng và đặc sắc về thiên nhiên, văn hóa và tình người. Đến với sông Mekong ở Thượng Lào tôi hiểu thêm về dòng sông mẹ vĩ đại này và môi trường tự nhiên cùng nền văn hóa ven sông. Nhưng còn tiếc: tôi chưa đến tận đầu nguồn các phụ lưu như Nam Ou, Nam Tha, vào tận các bản nghèo H’Mong, Akha, … để hiểu hơn về thực chất cuộc sống và văn hóa của các dân tộc trên đất Lào.
Anh em dù mới 40 - 50 hoặc các thầy cao niên hàng năm nên tạm rời căn nhà tiện nghi, rời công việc yêu thích, rời đô thị sống động, tạm bỏ máy tính 1-2 tuần để đến các vùng sâu vùng xa trong, ngoài nước (khỏe thì phượt bằng xe máy, xe đạp; không khỏe thì xe hơi, máy bay), vừa thử sức mình vừa được hưởng thụ thiên nhiên, văn hóa các vùng miền, các quốc gia và tiếp thu học hỏi điều hay, chia xẻ cho lớp trẻ để xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tốt đẹp. Cuộc sống sẽ luôn có ý nghĩa!
TP Hồ Chí Minh 16/02/2019 (12 tháng giêng năm Kỷ Hợi).