Đầu năm đến miền đất Tam Giác Vàng và cảm nhận

Thứ sáu - 24/06/2022 04:21
Từ hai chục năm trước tôi đã đọc ở đâu đó thông tin về 1 vùng đặc biệt không chỉ nổi tiếng toàn cầu sản xuất buôn bán ma túy, mà còn về ông trùm “Hoàng tử chết” Khun Sa với nhiều chuyện ly kỳ về ông và cả về các bộ tộc thiểu số người  Karen, H’Mong, Akha…có văn hóa và lối sống khác lạ. Ngoài ra đây là điểm duy nhất mà sông Mekong làm biên giới tự nhiên giữa 3 nước Myamar – Lào - Thái. Vì vậy, 1 chuyến đi dù gian lao đến vùng đất này cũng đáng giá và đã là niềm mơ ước lớn của tôi.
Vài lời mở đầu:
Từ hai chục năm trước tôi đã đọc ở đâu đó thông tin về 1 vùng đặc biệt không chỉ nổi tiếng toàn cầu sản xuất buôn bán ma túy, mà còn về ông trùm “Hoàng tử chết” Khun Sa với nhiều chuyện ly kỳ về ông và cả về các bộ tộc thiểu số người  Karen, H’Mong, Akha…có văn hóa và lối sống khác lạ. Ngoài ra đây là điểm duy nhất mà sông Mekong làm biên giới tự nhiên giữa 3 nước Myamar – Lào - Thái. Vì vậy, 1 chuyến đi dù gian lao đến vùng đất này cũng đáng giá và đã là niềm mơ ước lớn của tôi.
Thông tin về Chiang Mai, Chiang Rai, Tam giác vàng đã có nhiều bài trên Google. Nhưng dưới đây là bài ghi chép chân thực cảm nhận qua mắt thấy tai nghe của tôi, xin chia sẻ với mọi người.
Sáng mồng Một Tết Mậu Tuất (16/02/2018) tôi khoác ba lô lên vai và ra sân bay Tân Sơn Nhất lên đường đến Chiang Mai – TP lớn nhất Vùng Bắc Thái Lan với số dân khoảng 0,25 triệu người (nhỏ hơn Việt Trì, lớn hơn Mỹ Tho chút ít), tỉnh lỵ của tỉnh Chiang Mai. Tỉnh này có số dân 1,6 triệu nhưng năm 2017 đón trên 10 triệu lượt khách du lịch, vượt xa các tỉnh/TP khác ở nước ta. Máy bay Vietjet bay đúng 2 tiếng (bằng HCM – Hà Nội) thì đến sân bay QT Chiang Mai. Tối nghỉ lại TP này để lấy sức sáng mồng Hai đi xe đò lên tỉnh Chiang Rai – có thị trấn Mea Sai là trung tâm của Tam giác vàng cách Chiang Mai khoảng 200 km về phía Bắc.
1. Cảnh quan bên đường lên Tam giác vàng
1: Cảng KHQT Chiang Mai: năm 2017 đón trên 7 triệu khách; Các hãng Vietnam Airlines, VietJet, Pacific Airlines đều đến Chiang Mai. 2. Tác giả trong 1 trạm dứng chân trên đường cao tốc Chiang Mai –Chiang Rai. Thái Lan có hệ thống cao tốc rất tốt nối từ biên giới Malaysia ở cực Nam đến Mea Sai – Chiang Rai ở cực Bắc giáp Myanmar và từ Bangkok đi đến tất cả các tỉnh.
3. Mỗi trạm dừng chân dù trên miền núi đều có nhiều gian hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ phong phú. Đặc biệt: các khu toilet rất sạch, khô ráo và các hệ thống các thùng phân loại rác tại nguồn (đây là 1 trong các lý do vì sao khách đến Thái ngày càng tăng). 4. Khó tưởng tượng đây là tòa toilet công cộng: cầu kỳ, sạch, đẹp (tại chùa Trắng, Chiang Rai). Các thùng phân loại CTR ở 1 khu công cộng (phải).
5. Đồng ruộng và nhà nông dân ven đường tỉnh Chiang Mai. 6. Thị trấn Mae Sai  cực Bắc của tỉnh Chiang Rai  - trung tâm Tam giác vàng. Đây là cửa khẩu biên giới giữa Thái Lan và Myanmar.
7,8. Vùng đồi thấp từ Chiang Mai đến Chiang Rai trên 150 km hiện vẫn được rừng tự nhiên bạt ngàn phủ xanh; cây gỗ tếch rất phổ biến. Không có các loại rừng trồng cây ngoại lai như keo, bạch đàn như ở ta.
2. Các bộ tộc miền biên giới
Để thu hút khách du lịch Thai Lan tổ chức nhiều “khu văn hóa dân tộc” với mục đích kinh doanh bằng sự độc đáo của các sắc tộc miền núi. Tại 1 bản trên đường đến Tam Giác vàng có 1 khu như vậy với vài chục căn nhà mái phủ bằng lá cây tếch làm nơi bán hàng lưu niệm của nhiều dân tộc. Tất cả đều là phụ nữ, được mặc đẹp; họ vừa dệt (?) thổ cẩm vừa bán hàng. Rất đông khách du lịch quốc tế nhưng phần lớn là người châu Á, đông nhất là Trung Quốc (trong 2016: khách Trung Quốc đến Thái Lan lên tới 8.757.466 người chiếm 25% tổng số khách quốc tế, đến mức hiện nay tất cả bảng chỉ dẫn ở sân bay, khách sạn, khu du lịch đều ghi bằng 3 thứ tiếng: Thái, Anh, Trung) . Khách châu Âu không thích nơi này vì họ cho là Thái Lan đã lợi dụng sự hiếu kỳ của du khách nên đã tạo ra các vườn thú người (Human Zoo) bằng cách đưa phụ nữ nghèo vùng biên giới Myanmar đến đây cho du khách nhắm nhìn, chụp ảnh quần áo, trang điểm kỳ lạ của họ. Tôi cũng có cảm giác đáng thương cho các phụ nữ suốt ngày đứng ngồi cho những người lạ hoắc ngắm nhìn, bình phẩm, chụp ảnh, dù họ có thu nhập khá cao.
Tôi đã để ý: trong 30 phút họ “dệt” mà không thêm được tất vải mới nào. Có lẽ họ chỉ làm động tác demo để khách du lịch ngắm nhìn, chụp ảnh. Họ cũng rất vui vẻ khi được xin chụp ảnh và không đòi tiền, nhưng bù lại: khách thường mua cho họ 1- 2 món đồ lưu niệm có giá từ vài chục đến vài trăm Bath (1 Bath = 700 VND). Gian nào có bộ tộc càng lạ khách vào xem, mua hàng càng đông.
9. Một góc “làng văn hóa” nhưng có vẻ chỉ là nơi bán hàng và “trưng bày” phụ nữ dân tộc miền núi. 10. Bảng ghi danh các dân tộc, bộ tộc có trong “làng văn hóa”.
11. Phụ nữ dân tộc Lisu; 12. Phụ nữ dân tộc Akha
13. Em gái dân tộc gì từ Myanmar?; 14. Phụ nữ dân tộc gì?
Độc đáo nhưng cũng đáng thương nhất là phụ nữ bộ tộc Kayan (Karenni  hoặc Padaung) còn được gọi miệt thị là “Bộ tộc cổ dài –Long Neck Tribe). Phần lớn người dân bộ tộc này sinh sống ở Myanmar, một bộ phận di tản sang Thái do xung đột và nghèo khổ, sau này nhiều người người được Chính phủ Thái cho nhập cảnh để khai thác du lịch và xóa đói giảm nghèo. Bộ tộc này vẫn duy trì chế độ mẫu hệ và theo quan niệm cổ càng dài thì càng đẹp và danh giá, tránh được thú dữ, lại được phân biệt với các bộ tộc khác nên không thể trốn khỏi làng (nghe nói phụ nữ Kayan không được lấy người khác làng). Mỗi bé gái sinh ra đều được cả làng đến chúc mừng với tặng phẩm là đồng hoặc vàng. Cha mẹ em đúc sẵn  những chiếc vòng đeo cổ bằng đồng, khi bé lên 5 tuổi sẽ là lễ đeo vòng đầu tiên nặng 0,5kg. Số vòng tăng dần theo theo thời gian (không rõ mấy năm mới thêm 1 vòng). Số vòng tăng nghĩa là càng nặng và chiều cao của bộ vòng tăng lên và tương ứng: cổ của họ có thể dài thêm 5 – 20 cm.
15. Tác giả và 1 cô gái Kayan.  16. Người phụ nữ có số vòng nhiều nhất (25 vòng) tại “làng văn hóa” (người Kayan có số vòng vô địch lên đến trên 30 chiếc). Có lẽ vì số vòng càng nhiều nên cổ họ càng dài, máu khó lên đầu nên không chỉ làm khuôn mặt ốm yếu, vận động khó khăn mà họ cũng nói rất nhỏ và kiệm lời. Họ phải sống cả đời với số vòng này dù ăn, ngủ, đi làm, đi chơi, chăm con cũng không được cởi (mà nếu được cởi thì cổ sẽ bị gãy). Rất ít trẻ em gái được đi học
17. Không chỉ đeo vòng cổ tất cả phụ nữ Karen còn đeo vòng chân; mỗi chân vài chục vòng nặng 5-7 kg nên càng khó chạy.       18. Ngày nay, lớp trẻ Kayan cũng muốn giải phóng khỏi truyền thống này nhưng lễ giáo bộ tộc không cho phép, tuy nhiên thanh niên Kayan chỉ còn đeo 5-10 vòng chứ không nhiều như bà và mẹ; Smart phone cũng đã được 1 vài cô gái trẻ sử dụng.
3. Ở đặc khu thuốc phiện
Tam giác vàng (tiếng Anh: Golden Triangle) là khu vực có diện tích hàng chục ngàn km2 nằm giữa biên giới ba nước LàoThái LanMyanmar. Báo chí viết: Tam giác vàng là vùng núi non hiểm trở nhưng khi đến đây mới biết không phải vậy. Từ Chiang Rai đến vùng này chỉ có đồi núi thấp, phần bên Myanmar cũng vậy, phần lớn diện tích là đồi thấp ven lẫn đồng ruộng được phù sa sông Mekong bồi đắp màu mỡ vì vậy mới là đất hợp cho cây anh túc.
19. Sông Mekong chảy từ Trung Quốc qua Tam giác vàng đến Việt Nam; 20. Tôi bắt đầu nghiên cứu môi trường sông Tiền, sông Hậu (dòng Mekong tại hạ lưu ở nước ta) từ 33 năm trước, thông thuộc từng đoạn sông lớn ở ĐBSCL nhưng đến ngày Mồng Hai Tết Mậu Tuất (17/20/2018) mới đặt chân đến đúng điểm có hình tam giác màu đỏ: nơi sông Mekong làm biên giới tự nhiên Manmar – Lào – Thái Lan.
21. Cánh đồng anh túc bạt ngàn (nhựa quả cho thuốc phiện) nhưng nay không còn nữa. 22. Khun Sa: “Chiến binh vì tự do” (Freedom Fighter) hay “Trùm ma túy”?
Những năm 1970-1995 diện tích cây thuốc phiện ở Tam giác vàng  đến 160.000 ha với số lượng thuốc phiện mỗi vụ đã qua sơ chế 2.560 tấn, bằng 3/4 số lượng thuốc phiện thế giới. Nơi đây từng cung cấp đến 60% nhu cầu thuốc phiện của thị trường Mỹ. Ông trùm của cả khu vực rộng lớn này là Khun Sa tên thật là Zhang Ji Fu (張奇夫, Trương Kỳ Phu),1933-2007, có cha là sỹ quan Quốc dân đảng, mẹ là người dân tộc Shan ở Myanmar. Là người sớm có tham vọng chính trị nên ngay từ lúc mới 18 tuổi được sự giúp đỡ của bố dượng, Khun Sa trở thành người đứng đầu một bộ tộc thuộc cộng đồng người Shan. Ông cũng là người đấu tranh đòi quyền tự quyết, lập khu tự trị cho dân tộc Shan (Freedom Fighter) và là kẻ bị chính quyền Mỹ truy nã toàn cầu do buôn ma túy.
Năm 1968, trong một trận đánh với quân chính phủ, Khun Sa bị bắt và bị mang về Yangon giam. Đến năm 1973, Khun Sa được thả, lại quay về Tam giác vàng làm trùm sản xuất và buôn bán thuốc phiện. Do Chính quyền Myanmar ly gián và tấn công quân sự, ngày 5/01/1996, Khun Sa tuyên bố hạ vũ khí và được đưa về Yangon. Hai tuần sau đó, toàn bộ quân đội của Khun Sa nộp vũ khí đầu hàng. Sau khi ra đầu hàng, Khun Sa sống tại một biệt thự sang trọng ở Yangon. Khun Sa qua đời tại nhà riêng vào năm 2007.
Điều kỳ lạ là mặc dù là “Vua thuốc phiện”, gieo rắc “cái chết trắng” đi khắp thế giới, nhưng Khun Sa lại ghét cay ghét đắng việc hút thuốc phiện hoặc các loại ma túy khác, Khun Sa chưa từng dùng thuốc phiện. Ông ta đặt ra luật lệ trừng phạt người nghiện hút rất hà khắc. Ai nghiện sẽ bị cho xuống hố sâu, ăn ngủ vệ sinh tại chỗ, nếu chết thì mặc, nếu còn sống thì bị lao động khổ sai một năm. Thậm chí, có thông tin, Khun Sa từng tự tay đánh người con cả là Chang gần chết chỉ vì có người tố cáo anh ta hút thử thuốc phiện. Chính vì biện pháp mạnh tay như vậy nên vùng do Khun Sa cai quản, hầu như không có người nghiện. Thật lạ!!!
Nguồn: Thông tin từ Google.
Hơn 20 năm nay từ vùng đất bạt ngàn nông trại anh túc và đẫm máu vì tranh giành quyền bảo kê và buôn bán ma túy Tam giác vàng đã mau chóng trở thành vùng đất nông nghiệp và du lịch nổi danh toàn cầu. Hình ảnh thuốc phiện chỉ còn thấy trong Bảo tàng Thuốc phiện được lập ngay tại trung tâm Tam giác vàng thuộc địa phận Thái Lan.
23. Bảo tàng thuốc phiện duy nhất trên thế giới; 24. Một số loại dụng cụ hút thuốc phiện
25. Thêm một số loại dụng cụ hút thuốc phiện; 26. Lần đầu đời: tôi thử 1 liều opium (demo thôi).
Ngay tại khu vực này là dòng sông Mekong sau khi vượt hàng chục nhà máy thủy điện, hồ chứa ở Trung Quốc chảy vào Vùng Tam giác vàng để làm biên giới tự nhiên giữa Myanmar – Lào – Thái (xem bản đồ trên). Sông ở đây nằm ở địa hình bằng phẳng, khá rộng (gần như sông Hồng tại Phú Thọ), dòng chảy hiền hòa và trong xanh. Bờ Tây là Thái Lan là khu du lịch lớn với chùa Phật và nhiều tàu khách; bờ Đông là tỉnh Bokeo của Lào vắng bóng người và tàu bè nhưng có biển lớn  ghi bằng tiếng Tàu “Khu Kinh tế Tam giác vàng” chắc do Trung Quốc đầu tư. Bờ Bắc là đất Myanmar chỉ có bãi bồi, rừng cây và vài nhà nhỏ.
29. Bên bờ đất Lào với tấm biển “Khu kinh tế Tam giác vàng” bằng tiếng Hoa; 30. Cuối cùng tôi cũng đã gặp Mekong vùng Tam Giác vàng. Từ đây Mekong còn phải vượt qua đoạn đường trên 2.200 km mới về tới Đồng Tháp, An Giang! Cảm nhận thật xúc động: đi tàu trên sông, tôi cho tay xuống dòng nước mát và tính nhanh: với vận tốc 1,0m/s những giọt nước này nếu không bị các hồ chứa, công trình thủy điện của Lào, Thái chặn lại thì sau gần 28 ngày ngày nữa sẽ về đến cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Định An tại Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh của nước Việt thân yêu! Mong sao dòng sông quốc tế này được bảo vệ để 18 triệu dân ĐBSCL không bị mất nguồn thủy sản, không bị xâm nhập mặn, không bị mất phù sa, ….
4. Tam giác vàng ở Myanmar
Biên giới Thái – Myanmar tại đây chỉ là dòng sông rộng khoản 30m chia đôi 2 nước. Ngay bên biên giới là 1 thị trấn cũng có tên là “TP Tam giác vàng” (Golden Triangle City) nhưng tên chính thức là Tachileik thuộc bang Shan của Myamar.
31. Cửa khẩu biên giới phía Mae Sai (Thái); 32. Hai quốc gia được ngăn cách bởi dòng sông nhỏ nước đỏ ngầu như màu dung dịch oxyt sắt; dãy nhà bên phải là Thái, bên trái là Myanmar. Nhà bên đất Thái nói to thì bên Myanmar cũng nghe rõ. Biên giới có vẻ rất hòa bình, không thấy bóng binh lính và những người mang vũ khí và cũng không có giao dịch xuất nhập khẩu lớn như ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Lao Bảo, Mộc Bài của ta (không có xa container, xe tải lớn…)
33. Cửa khẩu bên Myanmar: yên tĩnh, hòa bình; 34. Đầu TT Tam giác vàng (Tachielek) cách cửa khẩu chỉ 200m.
35. TT Tachileik có trên 50.000 dân với công trình hạ tầng, đường phố có vẻ khang trang, giàu có hơn nhiều TP Myamar ở vùng đồng bằng. Rất ngạc nhiên TT thanh bình này  là nơi Khun Sa từng sống và điều hành nhiều năm khi còn làm Trùm Tam giác vàng.  Cũng như ở Mae Sai bên Thái Lan, nghề trồng và buôn thuốc phiện ở khu vực bang Shan cũng đã được Chính phủ Myanmar dẹp bỏ hoàn toàn nên ngày nay Tachileik cũng trở thành trung tâm du lịch an toàn với nhiều chùa chiềng,  khu thương mại dù kém bên Thái về sự phồn vinh; 36. Tại một khu thương mại ở Tachileik.
Cả ở Thái Lan, Myanmar và Lào người dân hiền lành, vui vẻ; ở nơi đông người, ngoài phố không cãi cọ, đánh nhau, xô đẩy.  Ở các khu du lịch dù trong TP lớn hay trên núi cao: không có người ăn xin, chèo kéo, dù nhiều người dân cũng nghèo. Ở khu công cộng đông người nào, kể cả nơi linh thiêng như chùa chiềng,  cũng có khu toilet công cộng sạch sẽ (có thu tiền hoặc miễn phí) làm khách du lịch yên tâm, thoải mái. 2 nước này và Campuchia đều có nhiều chùa Phật nhưng không có cảnh chen lấn, ồn ào; không nhét tiền, xoa người Đức Phật, không đốt hương nhang nghi ngút…. Có lẽ đây là điều mà khách du lịch quốc tế muốn đến các nước này nhiều lần. Sự hiền lành, khiêm nhường cũng là đặc trưng đẹp của con người vùng Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và các tỉnh khác trong vùng) và con người vùng sông nước ĐBSCL (miền Tây Nam Bộ) và một số vùng ở nước ta. Cũng còn may là cảnh lễ chùa xô bồ chưa xẩy ra với các tỉnh từ TT-Huế đến Nam Bộ. Không biết khi nào, “nghị quyết” nào để tính cách bộ phận không nhỏ người Việt trở nên hiền hòa, nhường nhịn hơn để nơi công cộng luôn bình an, trật tự, sạch, đẹp.
37. Têm, bán trầu là nghề phổ biến ở Myamar  38. Một phụ nữ Myanmar bán hàng rong. Ở Myanmar dù dân tộc nào phụ nữ (và không ít đàn ông) cũng bôi 2 má bằng bột phấn lấy từ cây Tanakan. Họ cho là đẹp và tốt cho da. Đây là nét văn hóa đặc trưng của đất nước này.
Cuối cùng, dù đi đâu nhưng ngày đầu năm tôi cũng cần tìm đến chùa cầu xin Đức Phật ban cho mọi người thân sự bình an vui vẻ cả năm Mậu Tuất: 39. Lễ Chùa ở Chiang Mai (Thái Lan) và 40. Lễ Chùa ở Bang Shan (Myanmar).
Trong chùa Phật giáo ở Thái, Myanmar, Lào: mọi khách vào chùa đều phải mặc quần áo nghiêm chỉnh (không váy nắng, quần soọc); không mang giày dép. Cũng giống như đi chùa ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Bộ: khách không mang lễ cúng, chỉ dâng hương, hoa hoặc nến; không được ồn ào, mất trật tự (dù không có bảo vệ). 41. Cảnh các nhà sư chuẩn bị làm lễ.   42. Hình ảnh lễ chùa (khách Tây cũng đi lễ chùa Phật).
TP Hồ Chí Minh Mồng 10 Tết Mậu Tuất.

Tác giả: VESDEC

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây