Campuchia đầu xuân Giáp Ngọ: Đi và cảm nhận

Thứ sáu - 11/03/2022 10:54
Ngày mồng Hai Tết Giáp Ngọ mình xuất hành về hướng Tây. Đã đến 30 quốc gia trên thế giới nhưng hai nước láng giềng: Lào, Campuchia lại chưa từng đặt chân đến thủ đô nên mình quyết tâm đi Campuchia 1 lần dù không hào hứng lắm vì biết là người Miên chẳng mấy welcome người Việt. Tuy nhiên, thông tin chính thức cho biết trong năm 2013 số du khách nước ngoài đến Campuchia lên đến 4,2 triệu lượt người (trung bình 3,45 người Miên đón 1 khách quốc tế trong khi đó 17,31 người Việt mới có 1 khách quốc tế!), trong năm này lượng khách Việt Nam thăm Campuchia lên đến 850.000 lượt người (chiếm tỷ lệ cao nhất). Như vậy mình sẽ được chào đón như mọi khách Việt khác.

Bài và ảnh: Lê Trình, Viện Khoa học môi trường và Phát triển
1.  Cửa khẩu biên giới
Ngày mồng Hai Tết Giáp Ngọ mình xuất hành về hướng Tây. Đã đến 30 quốc gia trên thế giới nhưng hai nước láng giềng: Lào, Campuchia lại chưa từng đặt chân đến thủ đô nên mình quyết tâm đi Campuchia 1 lần dù không hào hứng lắm vì biết là người Miên chẳng mấy welcome người Việt. Tuy nhiên, thông tin chính thức cho biết trong năm 2013 số du khách nước ngoài đến Campuchia lên đến 4,2 triệu lượt người (trung bình 3,45 người Miên đón 1 khách quốc tế trong khi đó 17,31 người Việt mới có 1 khách quốc tế!), trong năm này lượng khách Việt Nam thăm Campuchia lên đến 850.000 lượt người (chiếm tỷ lệ cao nhất). Như vậy mình sẽ được chào đón như mọi khách Việt khác.
Từ TP Hồ Chí Minh theo xe khách lên của khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) chỉ mất 1,5 tiếng. Tòa nhà cửa khẩu to, đẹp (hình 1) hơn nhiều của khẩu biên giới ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Tiên mình đã từng đến. Bên kia Mộc Bài là cửa khẩu Bavet thuộc tỉnh Svey Rieng (hình 2), ngay tại thị trấn biên giới của tỉnh nghèo này có 5-7 khách sạn và casino hoàng tráng. Nghe nói các casino chỉ cho người nước ngoài (chủ yếu là Việt Nam), người Miên không được vào (trừ người có nhiều tiền) (hình 3,4). Tại các cửa khẩu với Việt Nam, cửa khẩu nào cũng nhiều sòng bài cao cấp. Đã bao nhiêu người Việt đã sạt nghiệp vì bài bạc ở Campuchia.

1

Hình 1.Tác giả tại cửa khẩu Mộc Bài 

2

Hình 2. Cửa khẩu Bavet (đối diện Mộc Bài)

3 1
4 1

Hình 3,4: Khách sạn và casino cao cấp ngay tại cửa khẩu biên giới Bavet

2. Mêkong
Xe theo đường Xuyên Á (AH1) chất lượng cao nối TP HCM với Phnom Pênh xuyên qua tỉnh Svey Rieng, qua hết tỉnh Prey Veng là gặp sông Mêkông.  Mêkông – một trong 10 dòng sông lớn nhất thế giới - dòng sông mẹ, nguồn sống của nhân dân Lào, Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Mekong chảy từ Bắc xuống Nam đất nước này, khi đến Phnom Pênh chia làm 3 nhánh: nhánh Tongle Sap chảy về hướng Tây Bắc, đổ vào Tongle Sap (ta thường gọị là Biển Hồ vì đây là hồ nước ngọt mênh mông với chiều dài 80 km, chiều rộng nhất trên 30 km vào mùa mưa), 2 nhánh chảy về Việt Nam thành sông Tiền, sông Hậu. Hình 5 là phà Neak Luong nối tỉnh Prey Vieng với tỉnh Kandal, lên thêm 30 km nữa là thủ đô Pnom Penh. Neak Luong – địa danh gắn liền với cuộc tổng tấn công 35 năm trước của Quân tình nguyện Việt Nam vào Phnom Pênh lật đổ chế độ Khmer Đỏ tàn bạo (mô hình Maoism Trung Quốc) mang danh cộng sản. Hàng vạn chiến sỹ Việt Nam đã ngả xuống cho đất nước này và cũng là chính là cho tổ quốc Việt Nam. Hình 6 là đoạn Mekong chảy qua TP Kongpong Cham.

5 1
6 1

Hình 5. Phà Neak Luong, xuôi hơn 30 km nữa là Mekong về đến Tân Châu (An Giang); Hình 6. Sông Mekong đoạn qua TP Congpong Cham.

3. Thủ đô Phnom Penh
Phnôm Pênh (Đồi Bà Penh) được chọn làm kinh đô của Đế chế Khmer từ thế kỷ 15 dưới triều vua Ponhea Yat khi cố đô Angkor Thom bị quân Xiêm (Thailand) xâm chiếm. Phnom Penh trong thập kỷ 20 TK 20 từng được gọi là "Hòn ngọc châu Á". Thành phố nằm ở ngã tư 4 sông với nhiều toà nhà mang ảnh hưởng kiến trúc Pháp cùng nhiều công trình đặc sắc của kiến trúc Khmer.  Đặc biệt, thành phố có quy hoạch đẹp ngay từ thời Pháp thuộc: các phố vuông góc hình bàn cờ, không có hẻm hẹp, ngoằn nghèo như Hà Nội, Sài Gòn.

7 1

Hình 7: Trung tâm Pnom Penh nhìn từ tầng 14 của KS

8 1

Hình 8: Đài Độc lập

Mặc dầu Phnom Pênh đã bắt đầu phát triển: vài nhà cao tầng, một số siêu thị, khách sạn cao cấp đã được xây dựng (hình 9) nhưng ở đây cũng như cả nước này hiếm thấy nam thanh nữ tú, quý bà qúy ông diện quần áo hợp thời trang, phần lớn dân chúng thủ đô mặc giản dị tềnh toàng như bà con vùng quê miền Tây nước ta, hiếm thấy các shop quần áo, giày túi thời trang, không thấy thanh niên xài iphone, ipad, quần áo hở hang, gợi cảm như ở các TP Việt Nam. Có lẽ người Miên không chú trọng về hình thức hoặc có thể họ còn nghèo (anh bạn người Khmer nói: lương công chức nhà nước, công nhân chỉ 50 -100 USD, như ở nước ta 20 năm trước). Ngọn gió “Tây hóa” chưa tràn vào đất nước Chùa Tháp. Tuy nhiên so với các TP ở ta số lượng xe hơi ở Phnom Penh khá cao (hình 10): viên chức, kỹ sư, doanh nhân có thể sắm xe vì giả rất rẻ. Ngoài xe hơi, xe máy (hiếm thấy xe tay ga) Phnom Penh chưa có hệ thống taxi, xe bus. Phương tiện giao thông khách trong nước, nước ngoài thường sử dụng là xe tuk –tuk: tương tự xe lôi ở miền Tây hơn 10 năm về trước: cũng là xe máy kéo thùng chở khách nhưng có mái che, ghế ngồi tiện nghi, rộng rãi hơn.
Do vùng nông thôn nghèo nên người dân chuyển vào đô thị làm ăn khiến dân số thủ đô tăng rất nhanh: từ 1,0 triệu vào 2001 sau 10 năm đã lên đến là 2,2 triệu người (2011).

9 1
10 1

Hình 9: Chợ trung tâm và 2 tòa nhà cao nhất Campuchia; Hình 10: đường phố khu trung tâm Pnom Penh: không kém khu trung tâm Hà Nội về hạ tầng nhà cửa, giao thông nhưng không có cửa hàng sang trọng, ít quán ăn, không có quán café; không thấy thanh niên diện thời trang; hơn Hà Nội: không có hàng rong, buôn bán vỉa hè, quán cóc lấn chiếm vỉa hè; ít xe máy, ít tai nạn giao thông, ít ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
4. Chùa Vàng và Cung điện Hoàng gia
Chùa Phật Ngọc Lục Bảo (Wat Preah Keo Morokat, hình 13), trước kia gọi là Wat Uborsoth Rothannaream là nơi nhà vua tổ chức lễ Phật giáo. Chùa được xây bằng gỗ dưới thời vua Preah Bat Samedech Preah Norodom năm 1892.  Chùa được gọi là chùa Vàng vì có  pho tượng Phật Di Lặc bằng vàng ròng. Ở chính giữa trên cao là tượng Phật làm bằng ngọc xanh. Ngoài ra chùa còn có hơn 1050 báu vật có giá trị toàn là vàng, bạc, đồng hay vật liệu quý, do vua, hoàng hậu, các quý tộc và hoàng gia, hay những người dân dâng cúng để cầu cho hòa bình, hưng thịnh và hạnh phúc các thế hệ tương lai của người Khmer.

11

Hình 11: Chùa Vàng
 

12

Hình 12: Chùa là trường học văn hóa và đạo đức   của thanh niên Khmer

Cung điện Hoàng gia Campuchia (hình 13,14) là một tổ hợp các tòa nhà được xây dựng từ hơn một thế kỷ trước để phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt của quốc vương, gia đình quốc vương và các quan khách nước ngoài, đây còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, các nghi thức ngoại giao và lễ nghi hoàng gia. Thời Khmer Đỏ, đây là nơi giam lỏng Quốc vương Norodom Xihanuc và gia đình. Cung điện Hoàng gia Campuchia có lẽ chỉ tương đương về diện tích với Cấm thành Huế của vua nhà Nguyễn nhưng lớn hơn nhiều về độ lộng lẫy về kiến trúc và độ xa xỉ về vàng bạc châu báu.

13

Hình 13: Cung điện Hoàng gia

 

14

Hình 14: Trong khuôn viên Hoàng cung: Rắn (người Khmer gọi là Rồng là biểu tượng của sức mạnh và sự linh thiêng. Hình tượng Rồng có khắp các đền chùa ở nước này.

5. Siêm Riệp
Đến Campuchia mà chưa đến Siem Riep (“Xiêm thua trận” theo tiếng Khmer) để chiêm bái Đế Thiên (Angkor Wat), Đế thích (Angkor Thom), các khu đền thiêng, núi Kulen và các khu rừng nguyên sinh thì coi như chưa biết về nước này. Ngày mồng 4 Tết Giáp Ngọ tôi từ Phnom Pênh theo xe khách đi độ 8 tiếng (320 Km) là đến TP Siem Riep. Đường đang được làm, chưa tốt nhưng dễ đi hơn quốc lộ 14 từ Bình Phước lên Buôn Ma Thuột.
Khu vực Angkor Thom ở tỉnh Siêm Riệp trước TK 15 vốn là thủ đô của Đế chế Khmer. Tuy nhiên do bị quân Xiêm xâm chiếm nên Vua Miên phải dời kinh đô về Phnom Pênh. Vì vậy toàn bộ cung điện đền đài xây dựng từ TK XI-XII ở đây bị lãng quên, bị rừng nhiệt đới bao phủ. Những ngôi đền đổ nát được các nhà thám hiểm phương Tây phát hiện vào thế kỷ 19, nhưng Henri Mouhot người Pháp được xem như là có công phát hiện Angkor Wat vào năm 1860.
 Đền Ta Prohm
Đền Ta Prohm cũng được vua Jayavarman VII cho xây vào cuối thế kỷ 12  và đầu thế kỷ 13 làm tu viện và trường học Phật giáo. Không giống như phần lớn đền tại Angkor, Ta Prohm đã bị bỏ quên trong khu rừng già. Bên trong đền là cảnh hoang phế với các bức tường và tháp cùng với rễ các cây đại thụ mọc trên đó tạo thành một cảnh tượng độc nhất vô nhị trên thế giói, khiến nó là một trong những ngôi đền tại Angkor được du khách viếng thăm nhiều nhất (hình 15, 16). Đền Ta Prohm càng nổi tiếng hơn với bộ phim “Bí mật ngôi mộ cổ/ Tomb Raider” do Angelina Jolie đóng, bối cảnh phim được quay ở đây.

15
16

Hình 15, hình 16: cây cổ thụ trên tường thành đền Ta Prohm: nếu VACNE lấy tiêu chí cây trên 300 năm được phong “cây di sản” thì ở khu đền này có vài chục cây và cả vùng rừng nguyên sinh Siem Riẹp có vài ngàn “đại lão thụ”.
Đế Thích
Angkor Thom (Đế Thích) là thành phố thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của Đế quốc Khmer. Thành được vua Jayavarman VII xây dựng vào cuối thế kỷ XII (sau thánh địa Mỹ Sơn của Champa nay thuộc tỉnh Quảng Nam - Việt Nam được xây vào thế kỷ XI -XII) có diện tích 9 km² được xây bằng đá ong, bên trong có nhiều đền thờ từ các thời kỳ trước cũng như các đền thời được Jayavarman và những người nối nghiệp ông xây dựng (hình 17). Trong thành có 54 tháp với độ cao khác nhau tượng trưng cho 54 tỉnh thành của Đế chế, mỗi tháp có tượng Bayon (mặt người) bốn khuôn mặt bằng đá, nhìn ra 4 hướng, cao trên chục mét, như vậy có tổng cộng 216 mặt người (tổng số là 9: 2+1+6: số may mắn nhất của người Khmer). Dãy hành lang ở tầng dưới là một kho tàng nghệ thuật với 11 ngàn bức phù điêu chạm khắc trên tường đá chạy dài 1200 mét, một tổng hợp liên quan đến lịch sử lẫn các truyền thuyết, miêu tả cảnh diễn hành của vua và hoàng gia, những trận đánh của vua Jayavarman với Chiêm Thành bằng cả thủy lẫn bộ chiến, ngoài ra còn miêu tả đời sống văn hóa, xã hội của một nền văn minh đã bị lãng quên từ bao thế kỷ.
Không thể tưởng tượng sau trên 800 năm mà các tượng vĩ đại này vẫn còn gần như nguyên vẹn, 216 mặt người vẫn thật sinh động, mỗi khuôn mặt 1 vẻ, với ánh mắt và nụ cười đầy bí hiểm (hình 18).

17

Hình 17: Toàn cảnh bên ngoài Đế Thích;
 

18

Hình 18: 54 tượng Bayon 4 mặt (216 mặt người), bằng đá cao trên 10-30 mét đã trường tồn trên 800 năm.

Đế Thiên
Angkor Wat (Đế Thiên) là nơi thờ thần Visnu - nhân vật trong Hindu Giáo, được xây dựng dưới thời vua Surja-warman II (1113-1150, gần như cùng thời với khu đền tháp Mỹ Sơn), trước Angkor Thom vài chục năm. Angkor Wat được xây bằng vô vàn khối đá xanh, nhiều khối lớn, được lấy từ núi cách đó vài chục km. Angkor Wat có tất cả 5 tháp, tháp chính cao 65m (tượng trưng cho thiên đàn), 4 tháp phụ cao 40m (hình 19). Con đường dẫn tới chính môn của Angkor Wat cũng làm bằng đá tảng dài 230m, rộng gần 10m và có độ cao 5m so với mặt nước hồ ở hai bên đền (tượng trưng cho đại dương) (hình 20). Khu đền chính gồm 398 gian được gắn kết với nhau một cách chặt chẽ. Toàn khu đền tồn tại nhiều hình ảnh nghệ thuật chạm khắc đá như các tấm phù điêu khổng lồ, các cột, cửa, trần, tường, hành lang, lan can, mái, các vũ nữ Apsara mỗi người 1 nét riêng thật sinh động, dù được chạm khắc từ 900 năm trước nhưng vẫn như còn mới (hình 21), tất cả toát lên sức lao động, óc thẩm mỹ, trí tuệ và bàn tay điêu luyện của người Khmer xưa.

19

Hình 19: Ankor Wat được bao bọc bời hồ nước lớn.

20

 Hình 20: Đường vào chánh điện

21

Hình 21: Hàng ngàn vũ nữ Apsara được khắc trên tường từ TK12 mà vẫn như mới hôm nào. 

22

Hình 22: Các tháp phụ, phía sau là tháp chính của Angkor Wat.
 

6. Campuchia ngày nay
Nếu nhìn thấy phần lớn người Khmer hiện nay trên đường phố, trong phum sóc với vẻ nghèo túng, lam lũ, ít học thì ta không thể tin rằng dân tộc này cách đây gần 1000 năm đã từng xây các công trình vĩ đại nhất thế giới về kiến trúc và điêu khắc mà cho đến nay không có công trình đền đài nào dù ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc hay Maya (Nam Mỹ) sánh bằng. Không thể tin nổi. Do vậy, sách giáo khoa cho trẻ em Campuchia dạy rằng: Đế Thiên, Đế Thích là do các vị thần làm nên chứ không phải do con người. Từng là một đế chế hùng mạnh chiếm gần hết các nước Thái, Lào, một phần Champa, Đại Việt (theo bản đồ trong cung Hoàng gia Campuchia) vậy mà để lại cho hậu thế những người nông dân nghèo khổ, thấp kém về học vấn và tột cùng man rợ là chế độ Khmer Đỏ. Thật khó hiểu.
Các thành phố
Nếu ở vùng đồng bằng Việt Nam chỉ khoảng 30 km đã có 1 thị trấn sầm uất, cách 50 -100 km có 1 thành phố cấp tỉnh thì ở Campuchia tôi đi xe từ Siêm Riệp về biên giới Tây Ninh trên 450 km chỉ qua 1 thị xã tỉnh lỵ Congpong Thom chỉ lớn bằng 1 thị trấn huyện và 1 thành phố Congpong Chàm (hình 23) tương đương TP tỉnh lỵ miền núi của ta. Các thị trấn hầu như chưa được quy hoạch hạ tầng, vắng bóng cây cối, lại nhiều rác rưởi (hình 24). Đây là điều dễ hiểu vì Campuchia có diện tích bằng một nữa nhưng dân số chỉ bằng 1/6 Việt Nam, trong khi đó 80% dân số là nông dân.

23

Hình 23: Trung tâm thành phố Congpong Chàm;
 

24

Hình 24: Thị trấn Banam (tỉnh Prey Veng): ở Campuchia khách có thể ngồi trên nóc xe với giá vé rẻ hơn ngồi trong trong xe.

Vùng nông thôn
Campuchia có vùng đồng bằng mênh mông: đi từ của khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đến Phnom Penh rời từ đó đến Siem Riep với quãng đường trên 550 km (gần bằng Hà Nội – Huế hoặc Saigon - Nha Trang) mà không thấy 1 ngọn đồi hay dãy núi nào. Tất cả là đồng ruộng khô cằn, hoang hóa sau mùa thu hoạch (nông dân xứ này chỉ trồng 1 vụ vào mùa mưa do không có hệ thống thủy lợi), thỉnh thoảng mới thấy vùng đất xanh màu lúa. Các phum, sóc vài chục mái nhà sàn phần lớn là tường gỗ, mái tôn, có nhà nghèo chỉ làm tường nhà bằng thốt nốt; giữa các nhà không có rào dậu dù bằng thảo mộc hay bằng vật liệu; chung quanh nhà không có vườn rau, vườn cây ăn quả, không trồng hoa, cây cảnh, không có ao thả cá (hình 27 - 30). Kiểu làng xóm này cũng phổ biến ở vùng đồng bào Khmer ở An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, (chỉ khác là phần lớn gia đình người Khmer ở Việt Nam không làm nhà sàn). Đây là điểm khác biệt về văn hóa Miên – Việt. Nếu không có cây thốt nốt thì nhiều phum sóc của người Miên hao hao giống buôn làng người Jarai ở Tây Nguyên. Nghĩ cũng tiếc cho đồng ruộng xứ này: nếu có công trình thuỷ lợi như ở Đồng bằng sông Cửu Long và người dân có học vấn cao hơn thì nền nông nghiệp và cuộc sống người dân đất nước Chùa Tháp đã có thể giàu hơn nông dân Việt Nam nhiều vì mỗi gia đình trung bình có trên 3 ha đất sản xuất và là đất phù sa Mekong màu mỡ.

25

Hình 25: Cổng làng (phum, sóc) đặc thù Khmer (tỉnh Congpong Cham);

26

Hình 26: Cảnh làng quê (tỉnh Congpong Thom)
 

27

Hình 27: Các ngôi nhà sàn đặc trưng Khmer (tỉnh Prey Veng);

 

28

Hình 28: Đồng ruộng chỉ trồng 1 vụ nhờ nước trời vào mùa mưa; không có kênh mương thủy lợi; bò thả rông không người chăn dắt: đặc trưng nông thôn Campuchia (Congpong Thom)

7. Nụ cười Angkor
Nụ cười Angkor (Smiles of Angkor) là tiêu đề một show ca múa sử thi hào hùng ở Siêm Riệp, nhưng trên đường phố, trong phum sóc không mấy khi ta bắt gặp nụ cười của người Khmer. Khác với người Việt và người Thái, người Khmer (kể cả người Khmer ở Nam Bộ Việt Nam) có vẻ lạnh hơn, không nói to, không hay cười, không hiểu là bản tính từ ngàn xưa hay do hậu quả đau thương trong thế kỷ 20 còn lưu lại.
Mấy ngày ở xứ chùa tháp tôi cố gắng lý giải: có phải người Khmer xưa đã xây nên các công trình vĩ đại này không hay dân tộc nào khác đã từng định cư ở đây? Đã từng 6 năm là giảng viên của Học viện Quân y (TX Hà Đông) nên tôi cho rằng có thể kiểm định bằng phương pháp so sánh “nhân trắc học” giữa các khuôn hình được chạm khắc trên các bức tường Angkor với khuôn hình người Khmer hiện đại. Rõ nét nhất là so sánh các cô Apsara mắt to, môi dày, ngục nở tròn, bụng thon (hình phù điêu ở Angkor Wat) với các cô gái Miên hiện đại từ người bán hàng rong đến người phục vụ trong nhà hàng bị chụp hình ngẫu nhiên trên hành trình 5 ngày (các hình còn lại). Các cô này có khuôn mặt và thể hình khác biệt với con gái Kinh (Việt), Hoa, Ấn. Bạn có thể cảm nhận các cô gái Miên thời nay có phải là hậu duệ của các cô Apsara 900 năm trước không? Có vẻ đúng vậy?

29

Các Apsara 900 năm trước

31 1

Em gái này có phải là hậu duệ?

33

Em gái này có phải là hậu duệ?

30

Em gái này có phải là hậu duệ? 

32

Em gái này có phải là hậu duệ?

34

Cháu gái này có phải là hậu duệ?

8.  Có thể học gì ở Camphuchia
Dù còn nghèo và lạc hậu hơn Việt Nam nhưng cũng có một số điều hay ở đất nước này ta có thể học tập.
-  Điểm sáng của Campuchia là tổ chức du lịch: Dân số quốc gia này chỉ 14, 5 triệu nhưng năm 2013 đón 4,2 triệu khách quốc tế mang lại 2,6 tỷ USD (chiếm 12% tổng GDP). Lượng khách quốc tế mỗi năm tăng 15-18% (ta hãy so sánh với lượng khác quốc tế đến Việt Nam mà thấy buồn trong khi ta luôn nói có ngàn năm văn hiến, thân thiện, an toàn, cảnh đẹp).
TP Siêm Riệp chưa đến 0,2 triệu dân mà hàng năm đón trên 3,0 triệu khách quốc tế một cách an toàn, du khách hài lòng còn muốn đến nhiều lần để tìm hiểu.  Đặc biệt tại đây một nhà hát quy mô hoành tráng chuyên diễn kịch múa “Smile of Angkor: Nụ cười Angkor” với nhiều chương hồi về thi ca, lịch sử Khmer, các điển tích Hindu giáo, Phật giáo, kết hợp các điệu múa Khmer truyền thống và nghệ thuật laser, ánh sáng hiện đại. Mỗi ngày có 2-3 suất diễn, nhà hát có đến 500 ghế giá vé đến 20 USD mà suất nào cũng đầy khách quốc tế.  Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tất cả các khu du lịch ở Việt Nam chưa có nhà hát nào quy mô lớn và thu hút khách như vậy, dù ta có nhiều NSND, NSƯT, giáo sư văn hóa. Nếu Hội An mà lập được nhà hát kiểu này thì tuyệt vời vì đây là thành phố được du khách quốc tế đánh giá là văn hóa, lịch sự, an toàn nhất Việt Nam. Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang…vẫn có thể làm được mà không sợ lỗ vốn nếu có chương trình thuần túy văn hóa dân tộc, kết hợp công nghệ hiện đại và đừng bị chính trị hóa.
- Nước nghèo, dân lạc hậu nhưng ở Campuchia các điểm du lịch nề nếp, các nhà vệ sinh sạch sẽ có ở mọi nơi: từ điểm du lịch đến các điểm xe dừng dọc đường, nhà hàng. Đặc biệt dù học vấn thấp, thu nhập thấp hơn nhiều so với người Việt nhưng ở các điểm du lịch không có chuyện chặt chém, chèo kéo du khách, tranh giành kháchĐây là các điểm khác biệt với người Việt: tại sao dân ta có học hơn, giàu hơn nhưng lại nhiều tật xấu? Không toilet hợp vệ sinh, Chặt chém, Quấy rầy khách là các nguyên nhân chính làm cho khách quốc tế (và cả khách trong nước) ngại đến các điểm du lịch Việt Nam. Ta nên học người Miên về văn hóa ứng xử với khách.
9.  Kinh nghiệm du lịch Campuchia bằng đường bộ
- Nếu từ Hà Nội và các tỉnh nên vào TP HCM để xuất phát.
- Không nên tự đi 1 mình mà nên theo tur: vì sẽ giảm rẻ hơn và an toàn hơn tự đi: chỉ khoảng 5,0 triệu có thể bao trọn gói: xe máy lạnh đưa đi, về (trên 1100 km đường dài), visa, ăn nghỉ chất lượng cao (3-4 sao), tham quan (20 USD người/ngày tất cả đền đài Siêm Riệp). Giá này còn rẻ hơn đi du lịch từ TP HCM – Hạ Long, Hà Nội – TP HCM. Nếu tự đi thì cũng có nhiều xe khách TP HCM – Phnom Penh, giá chỉ khoảng 200.000 đồng. Hiện nay du lịch Campuchia vẫn an toàn với người Việt.
- Tiêu tiền gì: ở tất cả các nơi: USD được sử dụng. Tiền Việt được dùng ở Phnom Penh, Siêm Riệp kể cả trong chợ và mua hàng rong. Chỉ 1 số ít restaurant, khách sạn không nhận tiền Việt. Giá 1 USD = 22.000 VND, 1 Riel = 5,1 VND. Người bán hàng ở mọi nơi đều có thể nói vài câu tiếng Việt đủ để ta hiểu. Thật mát lòng khi đến cổng đền núi Bakhen (gần Angkor Wat) được nghe mấy người đánh đàn dân tộc bài “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” với giai điệu Khmer êm đềm, nhờ vậy nhận được khá nhiều tiền “lì xì” 10.000 – 50.000 VND của du khách Việt.
- Nói tiếng gì: đi du lịch Campuchia không cần biết ngoại ngữ. Bạn cứ nói tiếng Việt là có thể giao tiếp, mua bán bình thường.
- Cần biết văn hóa xếp hàng: các điểm du lịch rất đông khách quốc tế, nhiều quốc tịch. Bạn cần nhẫn nại xếp hàng, không chen lấn xô đẩy, không ồn ào, không nói to, tranh cãi; không xả rác bừa bãi sẽ làm mất hình ảnh Việt Nam.
- Khí hậu: bên Campuchia khô và nóng hơn TP HCM và miền Tây. Khí hậu xứ này gần giống như Bình Phước. Từ Campuchia khi qua khỏi biên giới vào đất Việt ta thấy mát mẻ, xanh tươi, sinh động hơn, con người có nhiều nụ cười hơn.
 

TP Hồ Chí Minh đêm 05/02/2013 (mồng 6 Tết Giáp Ngọ)

Tác giả: VESDEC

Nguồn tin: PGS.TS. Lê Trình

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây