Ấn tượng Ấn Độ đầu năm Đinh Dậu

Thứ sáu - 24/06/2022 03:26
Người ta bảo: Phật giáo có 5 vùng đất thiêng mà Phật tử nào cũng muốn viếng 1 lần trong đời: Lumbini (nơi Đức Phật đản sinh, nay thuộc Nepal), Sarnath (Vườn Nai): nơi  Phật bắt đầu thuyết giảng giáo lý;  Nalanda:nơi từng có trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới; Kusinagara: nơi Đức Phật nhập niết bàn và Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng)- nơi Đức Phật ngồi thiền và đắc đạo; trong đó Bodh Gaya là vùng đất linh thiêng nhất.
Người ta bảo: Phật giáo có 5 vùng đất thiêng mà Phật tử nào cũng muốn viếng 1 lần trong đời: Lumbini (nơi Đức Phật đản sinh, nay thuộc Nepal), Sarnath (Vườn Nai): nơi  Phật bắt đầu thuyết giảng giáo lý;  Nalanda:nơi từng có trường đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới; Kusinagara: nơi Đức Phật nhập niết bàn và Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng)- nơi Đức Phật ngồi thiền và đắc đạo; trong đó Bodh Gaya là vùng đất linh thiêng nhất.
1. Thăm miền đất Phật linh thiêng
Nhờ sự bao dung của Đức Phật nên dù không phải Phật tử ngày Mồng 3 Tết Đinh Dậu (30/01/2017) nhân chuyến công tác Ấn Độ dài ngày tôi đã có cơ may được viếng 2 trong 5 vùng đất thiêng này và nhiều nơi còn lưu lại dấu ấn của Ngài.
Bodh Gaya là thị trấn thuộc huyện Gaya, bang Bihar, Ấn Độ. Bihar nằm ở miền Đông Ấn Độ có diện tích chỉ bằng 30% nước ta nhưng dân số trên 100 triệu người. Mặc dầu nằm giữa bình nguyên sông Hằng màu mỡ và có trên 5.000 năm văn vật nhưng đây là 1 trong các bang nghèo nhất nước, với GDP/đầu người  khoảng 700 USD (2015) chỉ bằng 1/3 Việt Nam và có đến trên 40% dân số mù chữ (số phụ nữ mù chữ lên đến trên 50%).
Tại Bogd Gaya có ngôi Bảo tháp Đại giác (Tháp Bồ Đề) cao 55m được vua A Dục (Ashoka) xây dựng từ năm 250 trước CN và được khôi phục vào TK7 sau CN và trường tồn đến ngày nay (ảnh 1,2). Đây là công trình tôn giáo quan trọng nhất của Phật giáo, đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
1. Tháp Bồ Đề (trùng tu vào TK7 sau CN) 2. Tường Tháp Bồ Đề
Theo lịch sử Phật Giáo: từ TK6 trước Công nguyên (CN), sau khi xuất gia, từ hoàng cung ở Kapilavathu hoàng tử Gautama (Tất Đạt Đa) đãkhảo sát thực địa đời sống xã hội qua nhiều vùng đất phía Bắc Ân Độ ngày nay và dừng chân tại Bodh Gaya, cách hoàng cung khoảng 500 km về phía Đông Nam. Vào năm 589 trước CN, dưới bóng cây bồ đề Ngài đã ngồi thiền tu niệm trong 49 ngày đạt chính quả, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni). Đức Phật còn lưu tại đây 7 tuần trước khi đi hoằng pháp truyền giảng kinh Phật. Cây bồ đề nguyên thủy che chở cho Đức Phật đã không còn nhưng một nhánh cây nàytrên 2000 năm trước đã được di thực đến Sri Lanka. Từ cây bồ đề ở Sri Lanka cuối thế kỷ 19 người Anh đã đưa về trồng tại đúng nơi đã từng có cây bồ đề nguyên thủy. Ngày nay cội bồ đề là di tích tôn nghiêm của Phật giáo toàn cầu (ảnh 3,4).
Ảnh 3,4: Cây bồ đề “hậu duệ: đã trên 130 năm tuổi, chụp ngày 30/01/2017
Tại khu vực trong và chung quanh Tháp Bồ Đề hàng ngày có hàng ngàn Phật tử thành kính khấn bái. Phật tử đến từ nhiều nơi: Nepal, Sikkim, Butan, Tây Tạng, Thái Lan và Myanmar... nên cách bái lễ khác nhau: người quỳ, người đứng, người đi 3 bước lại 1 lần nằm vái (ảnh 5,6).  Tuy nhiên, tại nơi này (cũng như các chùa Phật ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Đài Loan) mọi người sánh lễ nghiêm trang, thành kính, không ồn ào, không chen lấn, không cúng đồ ăn (chỉ có đĩa hoa quả đơn sơ), không nhét tiền vào tay Phật, không đốt vàng mã.... như cảnh lễ chùa ở miền Bắc nước ta (!). Mong sao, bà con Phật tử Việt Nam không mang kiểu “văn hóa” lễ Phật này đưa sang các chùa ở nước bạn.
Ảnh 5,6: Cảnh lễ bái trang nghiêm ở Tháp Bồ Đề, 30/01/2017
Tại vùng Bodh Gaya phần lớn các quốc gia có Phật giáo đều có chùa: chùa Nhật Bản, chùa Thái, chùa Trung Quốc, chùa Myanmar...Việt Nam Phật Quốc tự nằm trong khuôn viên rộng rãi, yên tĩnh do Thượng tọa Thích Huyền Diệu xây dựng và trụ trì từ 1987 là ngôi chùa Việt Nam lớn  và cao nhất ở vùng này (ảnh 7,8).
Ảnh 7,8: Chùa Việt Nam Phật quốc tự tại Bodh Gaya (Bồ đề Đạo tràng)
Cách Bodh Gaya trên 70 km là thị trấn Rajgir (không hiểu sao được dịch là Vương Xá Thành?). Tương truyền Đức Phật du hóa khắp Ấn Độ, Ngài thường ra vào thành Vương Xá, tọa lạc bên núi Linh Thứu. Núi Linh Thứu có rừng cây thanh tịnh, là nơi trụ xứ của chư Phật Thánh tăng. Tại đỉnh núi Đức Phật đã tuyên thuyết các kinh "Đại Bát Nhã", " Diệu Pháp Liên Hoa", "Vô Lượng Nghĩa",.... cho một vạn hai nghìn chúng đại tỳ kheo.Ngày nay muốn lên đỉnh Linh Thứu có 2 đường: đường bộ leo dốc vài trăm m (ảnh 9) và đường cáp treo (không thích hợp cho người yếu tim, ảnh 10).
Ảnh 9: Đường bộ lên đỉnh Linh Thứu; Ảnh 10: Cáp treo lên đỉnh Linh Thứu
Tại bãi đá rộng trên núi nơi Đức Phật giảng bài ngày nay Phật tử khắp thế giới đến dâng hương hoa lễ bái (ảnh 11,12).
Ảnh 11, 12: Lễ bái tại nơi trên 2.600 trước Đức Phật từng giảng kinh
Cách Bồ đề đạo tràng khoảng 40 km là thị trấn Nalanda, cũng thuộc bang Bihar. Nơi đây từ TK6 đến TK12 sau CN từng là nơi từng có đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới. Dù đã bị người Turk Hồi giáo đốt phá toàn bộ sách vở, tàn phá các giảng đường, giết hại tăng ni nhưng dấu vết trung tâm Phật học với các tòa tháp cao lớn xây bằng gạch không vữa (tương tự như đền tháp Mỹ Sơn của người Chăm Việt Nam) trải rộng trên diện tích 14 ha vẫn còn hiện hữu (ảnh 13, 14). Vào thời hoàng kim, Viện Đại học Nalanda thu hút học giả và sinh viên từ cả các vùng xa xôi như Tây TạngTrung QuốcHy Lạp,  Ba Tư. Ngài Đường Huyền Trang cũng đã tu nghiệp tại đại học này.
Ảnh 13,14: Phế tích của Đại học Phật giáo đàu tiên trên thế giới tại Nalanda (bang Bihar),01/2017
2. Taj Mahal
Theo tài liệu: Taj Mahal  là một khu lăng mộ nằm tại thị trấn Agra, thuộc bang Uttar Pradesh, cách New Delhi khoảng 200 kmvề phía Đông, cách Bồ đề Đạo tràng 600 km về phía Tây. Đây là bang lớn có diện tích bằng 3/4 nhưng số dân gấp 2 lần nước ta. Hoàng đế Môgôn Shah Jahan (gốc Ba Tư, lên ngôi năm 1627) đã ra lệnh xây lăng mộ cho người vợ yêu là nàng Mumtaz Mahal, khi bà qua đời. Công việc xây dựng bắt đầu năm 1631 và hoàn thành năm 1653. Taj Mahal nói chung được coi là hình mẫu tổng hợp các phong cách kiến trúc Ba TưThổ Nhĩ KỳẤn Độ và Hồi giáo. Tuy phần mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất. Vật liệu xây dựng Taj Mahal được lấy từ nhiều nơi trên khắp Ấn Độ và châu Á và có hơn 1000 con voi được sử dụng để vận chuyển vật liệu xây dựng. Tổng cộng có 28 loại đá quý và bán quý được khảm vào đá cẩm thạch trắng. Năm 1983 Taj Mahal được UNESCO vinh danh là Di sản Thế giới.
Ngày mồng Hai Tết năm nay tôi đã đến thăm nơi nổi tiếng này. Taj Mahal cho ấn tượng mạnh về sự xa xỉ của vật liệu xây dựng các công trình trong quần thể nhưng khó so với sự to lớn, cổ kính của đền tháp và các bức phù điêu tinh tế ở khu đền tháp Angkor Campuchia. Dưới đây là một số hình ảnh về Taj Mahal vào ngày 29/01/2017.
Ảnh 15-18: Hình ảnh Taj Mahal vào tháng 01/2017.
3. Môi trường nhếch nhác và ô nhiễm
Ấn Độ có quá nhiều công trình tôn giáo, văn hóa có giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, dù là Phật tử hay du khách khi đến các vùng đất thiêng này không khỏi chạnh lòng vì sự ô nhiễm và thảm trạng xã hội. Do Đạo Phật ở Ấn Độ nói chung và ở bang Bihar đã suy tàn từ TK15 (nay chỉ còn chưa đến 1,0 % dân số Ấn Độ theo Phật giáo), Bồ đề đạo tràng, núi Linh Thứu, Đại học Phật giáo đều nằm trong vùng  Hindu giáo nên các nơi này không phải là chốn tâm linh mà chỉ là các điểm du lịch của bang Bihar. Ban Quản lý Bồ đề Đạo tràng có 10 vị thì chỉ có 3 vị Phật giáo, 7 vị Hindu giáo và Trưởng ban là người Hindu, Chủ tịch huyện Gaya.  Vì vậy, dù Giáo hội Phật giáo Thế giới đề nghị Chính phủ Ấn Độ tăng cường quản lý vùng này nhưng không chỉ không có đầu tư nâng cấp mà sự tôn nghiêm của vùng đất Phật cũng không còn: khắp mọi con đường ra vào Đạo tràng (và ởcác điểm tâm linh, du lịch ở Ấn Độ mà tôi đã đến) xe cộ đủ loại: xe tuk tuk, xe ngựa, xe lôi cũ kỹ chen chúc mời chào du khách, người bán hàng chèo kéo (ảnh 19, 20).
Ảnh 19, 20: Quang cảnh thường gặp trước các khu tâm linh, du lịch.
Người dân Ấn Độ, nhất là ở vùng quê, rất nghèo, lam lũ. Không biết có phải vì vậy nên  tệ nạn ăn xin phát triển ở bất cứ nơi nào có du khách: mỗi con đường ở các khu du lịch có hàng trăm phụ nữ, trẻ em, người già gầy gò, còm cõi làm nghề cái bang. Mỗi khi khách cho tiền 1 người thì hàng chục người khác chạy đến khiến người bố thí phải sợ hãi.Tiếc là tệ nạn nhếch nhác này vẫn còn tồn tại vào mùa Tết ở 1 số chùa Việt Nam, nhất là ở miền Nam. Trong khi đó ở Myamar, Thái Lan: hầu như không có người ăn xin ở các đềnchùa, khu du lịch dù các nước này cũng còn nhiều người nghèo.
Trước khi đến đây tôi đã nghe nhiều về ô nhiễm môi trường ở nước này, nhưng khi tận mắt thấy thì mới thực sự “hãi hùng”: rác, chất thải có ở mọi nơi: trước nhà, trên sân, trên vỉa hè (ảnh 23, 24); không chỉ ở thị trấn nhỏ mà còn ở nhiều đường phố thủ đô.
Ảnh 21: Rác ở làng quê,   Ảnh 22: Đường phố ngốn ngang rác, nước thải, heo, bò.
Ngay cả tại các vùng sát bên đất thiêng Phật giáo (và cả ở khu dân cư gần Đền Hồi giáo Taj Mahal) rác và nước cống rãnh hiện diện khắp nơi, gây ô nhiễm và phản cảm.
Tại vùng nông thôn và cả ở Delhi rất nhiều khu nhà ổ chuột: mỗi căn nhà chỉ vài  m2, tường đất, mái lá hoặc vật liệu tạm bợ (ảnh 27,28) bên trong không có tiện nghi thông thường: giường, tủ, TV....lại càng không có công trình vệ sinh. Nhiều làng quê trên đường tôi đi qua chưa có điện, ban đêm vẫn thắp đèn dầu leo lắt.
Ảnh 25: Lều của dân ven đường thủ đô Delhi   Ảnh 26: Nhà điển hình vùng nông thôn Bihar
Ảnh 27: Nhà ổ chuột ven đô;   Ảnh 28: Nhà phố khu thương mại: rất nhiều bảng hiệu (không khác nhiều tuyến đường đô thị nước ta)
Sự nghèo khó của tầng lớp bình dân là không khó hiểu và cần cảm thông: mặc dầu 10 năm qua tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ luôn ở mức cao trên thế giới (6-8%/năm), dù có bom nguyên tử, tàu sân bay; sản xuất ô tô, phim ảnh Bolliwood hàng đầu thế giới và số lượng nhân công phần mềm chỉ sau Hoa Kỳ nhưng đến nay Ấn Độ vẫn là nước nghèo (vào năm 2015: GDP/đầu người chỉ 1.582 USD, còn kém Lào: 1.787 USD, Việt Nam: 2.111 USD và kém xa Thái Lan: 5.497 USD/năm (số liệu của WB) nên khoảng 40% dân số vẫn thuộc diện nghèo (thu nhập dưới 1,25 USD/ngày theo chuẩn WB).
Có lẽ vì sự nhếch nhác trên đường phố, mất vệ sinh và nạn ăn xin, chèo kéo mà Ấn Độ chưa hấp dẫn khách du lịch quốc tế (năm 2016 đã tăng so với 2015 nhưng Ấn Độ chỉ có 8,90 triệu khách quốc tế còn kém Việt Nam và thua xa Thái Lan, Malaysia, Singapore), dù quốc gia rộng lớn này có rất nhiều công trình lịch sử và tôn giáo có giá trị toàn cầu. Mong sao Việt Nam nên học bài học không đẹp này để không còn các khu du lịch nhếch nhác, mất vệ sinh, thiếu nhà vệ sinh, không còn nạn ăn xin, chèo kéo du khách để nước ta trở thành điểm đến thân thiện, sạch đẹp của du khách 5 châu.
Có lẽ do cuộc sống khó khăn hoặc do truyền thống văn hóa, tôn giáo nên phần lớn người Ấn tôi nhìn thấy trên đường, trong công sở cả ở thủ đô và tỉnh lẻ thường có khuôn mặt buồn, đi lại chậm rãi, làm việc rề rà, ít nói, trang phục đơn điệu, ít thời trang; phần lớn thanh niên, công chức không dùng smartphone (khác xa Việt Nam) và vắng nụ cười, khác hẳn người Thái, người Việt luôn hay nói, hay cười ngay cả khi nghèo khó.
Ảnh 29: Một gia đình nghèo; Ảnh 30: Tác giả và 2 người đàn ông nghèo
Ảnh 31: Học sinh trường làng; Ảnh 32: Tương lai của Ấn Độ
4. Điểm sáng
Tuy nhiên xã hội Ấn Độ có nhiều điểm sáng mà ta chưa được vậy: nhiều đường phố tuy rất tệ (lộn xộn với đủ loại xe cũ kỹ, xe còn chạy được thì thoải mái lưu thông, người đi chen xe, phố không có vỉa hè,  rác rưởi khắp nơi,...) nhưng lại có vẻ thanh bình vì rất vắng bóng cảnh sát, ít tai nạn giao thông; không có cảnh đánh nhau, cãi lộn, ồn ào nơi công cộng; không có người say xỉn và chắc ít tệ nạn trộm cắp, cướp giật. Do kiêng kỵ sát sinh nên người Ấn bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã tốt hơn người Việt. ....Điều lớn nhất: Ân Độ tự sản xuất phần lớn các loại xe hơi, tàu thủy, tàu chiến, tàu lửa, thiết bị công nghệ, hóa chất, dược phẩm, ... trong khi dù người Việt xa xỉ hơn nhưng phụ thuộc nước ngoài phần lớn sản phẩm công nghệ cơ khí, điện tử, hóa chất, thiết bị, không thể có nền kinh tế tự chủ như quốc gia này.  
 
PGS.TS Lê Trình. (Bihar, 02/02/2017)

Tác giả: VESDEC

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây