Tóm tắt các vấn đề môi trường tự nhiên vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua các tài liệu mới nhất

Thứ năm - 09/06/2022 03:22

(Trích Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Royal HaskoningDHV – GIZ thực hiện cho Bộ KH&ĐT, bản tháng 3/2021)

(Trích Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Royal HaskoningDHV – GIZ thực hiện cho Bộ KH&ĐT, bản tháng 3/2021)
MỞ ĐẦU
         Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã nêu rõ tầm quan trọng đặc biệt của ĐBSCL đối với cả nước và xác định: “ĐBSCL có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên, biến đổi khí hậu (BĐKH) và khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn đang và tác động tiêu cực đến phát triển của vùng. Mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế ở nội vùng bộc lộ ngày càng gay gắt, gây nhiều hệ lụy như: ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển....Thực tế đó đòi hỏi có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL”.
         Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) được Chính phủ giao tổ chức lập Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (để ngắn gọn, trong tài liệu này được viết tắt là “Quy hoạch vùng ĐBSCL” hoặc “Quy hoạch Vùng”.
         Liên danh Royal HaskoningDHV (Hà Lan) và GIZ (Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức) được giao nhiệm vụ nghiên cứu lập Quy hoạch Vùng và GIZ trong Liên danh chịu trách nhiệm nghiên cứu, lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC). Tổ tư vấn ĐMC gồm 4 chuyên gia môi trường và xã hội Việt Nam và các chuyên gia quốc tế do PGS.TS Lê Trình (VESDEC) chủ trì. Thời gian thực hiện ĐMC bao gồm nhiều đợt tham vấn và chỉnh sửa, bổ sung: 12 tháng.
          Đặc điểm nổi bật của quá trình nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) này là được tiến hành gần như đồng thời với nghiên cứu lập Quy hoạch Vùng nên các vấn đề môi trường và xã hội của ĐMC được lồng ghép hoàn toàn vào quá trình lập quy hoạch. Ưu điểm cơ bản của ĐMC là sử dụng nguồn tư liệu mới nhất về các thành phần môi trường tự nhiên, kinh tế, xã hội (đến năm 2020), bao gồm các bản đồ và các phương hướng, dự án quy hoạch do Tổ Quy hoạch cung cấp kết hợp các phương pháp ĐMC tiên tiến nên đã dự báo, đánh giá ở mức định lượng hoặc bán định lượng diễn biến các thành phần môi trường chính, kể cả các diễn biến về chất lượng môi trường, phát thải ô nhiễm, phát thải khí nhà kính, diễn biến tài nguyên sinh thái và xã hội.
          Dưới đây chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề môi trường tự nhiên đặc thù của ĐBSCL theo các số liệu, thông tin mới nhất để các đơn vị, cá nhân nghiên cứu, giảng dạy ngành khoa học môi trường tham khảo.
PHẦN MỘT: TÓM TẮT CÁC VẤN ĐỀ ĐẶC THÙ VỀ ĐỊA HÌNH, SỤT LÚN, THỔ NHƯỠNG
1.1. Vị trí địa lý
           Vùng ĐBSCL tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và tỉnh Tây Ninh về phía Bắc, TP. Hồ Chí Minh về phía Đông Bắc; Biển Tây (vịnh Thái Lan) về phía Tây và Biển Đông về phía Nam và Đông Nam, có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á.
          ĐBSCL có diện tích 4.067.138 ha đất  (chiếm 93,9%) và khoảng 245.000 ha diện tích mặt nước sông kênh ao đầm (chiếm 6,1% tổng diện tích) (số diện tích vùng ĐBSCL không thống nhất giữa nhiều nguồn), chiếm khoảng 5,1% tổng diện tích lưu vực sông Mêcông. ĐBSCL có vùng biển rộng lớn, gần các tuyến hàng hải chính kết nối với thế giới.
1.2. Địa hình, Địa mạo
           ĐBSCL là một vùng đồng bằng châu thổ tương đối trẻ, có độ cao trung bình từ 0,5 đến 1,2m so với mực nước biển trung bình, nhiều khu vực có độ cao dưới 0,5m.

1

Hình 1.  Bản đồ địa hình vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Nguồn: Royal HaskoningDHV - GIZ, Tập Bản đồ, 2/2021.

          Vùng ven biển có các giồng cát cao, nằm xen kẽ các vùng trũng thấp ngập triều, phổ biến nhất là ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng. Vùng Đồng Tháp Mười là khu vực trũng nên thường bị ngập nước vào mùa lũ. Vùng hạ lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé và U Minh Thượng, U Minh Hạ là những khu vực đất thấp nhất với cao độ từ 0,1 - 0,7m, luôn ngập khi triều cao, mưa lớn và nước lũ thượng nguồn. Một số khu vực ở An Giang, Kiên Giang gần biên giới với Campuchia có với nhiều núi đất, núi đá, địa hình cao.    
          Với sự chi phối của yếu tố đất ngập nước ở cuối lưu vực sông lớn Vùng ĐBSCL có gần 20 đơn vị địa mạo: Vùng ven biển, vùng rừng ngập mặn, vùng đất phù sa, vùng lưu vực ngập lũ, vùng triều, vùng đồng bằng ngập lũ, vùng đầm lầy….
1.3. Quá trình bồi lắng trầm tích ven biển và vấn đề xói lở
          Mêcông là một trong 10 con sông trên thế giới về lưu lượng, có lượng phù sa, trầm tích năm lớn nhất có thể đến 160 triệu tấn. Phần lớn lượng phù sa này được chuyển vào Biển Đông. Lượng trầm tích khổng lồ của dòng sông đã tạo ra những ảnh hưởng lớn làm biến đổi về địa - hóa - sinh của vùng, chất lượng nước cũng như xói mòn ven biển. Trong thực tế, việc vận chuyển và lắng tụ trầm tích trong suốt 6.000 năm đã hình thành vùng đồng bằng châu thổ. Một số nghiên cứu xác nhận rằng phần lớn dòng trầm tích đi theo hướng Nam đến cực Nam bán đảo Cà Mau làm cho quá trình bồi tích đang tiếp tục mở rộng thêm bán đảo này về phía Nam và phía Tây (khoảng 26 m/năm). Trong khi đó, hiện tượng xói lở đang xảy ra dọc theo bờ Biển Đông (khoảng 16 m/năm) (Hình 2). 

2

Hình 2. Xói lở và bồi lắng bờ Biển Đông từ Sóc Trăng đến Cà Mau giai đoạn 1973 - 2014

Ghi chú: Màu đỏ: Vùng bị xói lở mất đất ven biển; Màu xanh: Vùng bồi lấn biển.

Nguồn: Royal HaskoningDHV - GIZ, Báo cáo cơ sở, Quy hoạch VĐBSCL tk 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

          Sa lắng trầm tích là một yếu tố quan trọng cho sự hình thành đồng bằng và tiềm năng nông nghiệp. Tuy nhiên, trong 20 năm qua, với việc xây dựng ngày càng nhiều đê bao và phát triển các hồ thủy điện thượng nguồn, tải lượng trầm tích của sông đã giảm đáng kể ở khu vực hạ lưu. Theo đánh giá của Ủy hội sông Mêcông (MRC, 2015), lượng trầm tích đến ĐBSCL có thể giảm 56 đến 64% so với trung bình tự nhiên (trước đây, dòng trầm tích hàng năm đổ vào ĐBSCL được đánh giá là khoảng 150 triệu tấn). Sự suy giảm nghiêm trọng đã được quan sát trong những năm gần đây ảnh hưởng lớn đối với độ phì nhiêu của đất, hình thái của các dòng sông và vùng đồng bằng ngập nước, hình thái của vùng biển nông và năng suất của vùng biển và sự ổn định của bờ biển. Ngoài ra, sự thay đổi mạnh mẽ về lưu lượng dòng chảy và sự suy giảm trầm tích ở khu vực hạ lưu là một trong các nguyên nhân gây xói lở bờ sông.
          Xói lở bờ sông và bờ biển là một hiện tượng ngày càng tăng ở ĐBSCL, không chỉ gây mất đất, cản trở dòng chảy mà còn tác hại nghiêm trọng đến công trình nhà cửa và an toàn của nhân dân. Đây là một trong các vấn đề môi trường cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch và phát triển ĐBSCL. Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT (18/06/2018) vào thời điểm thống kê: Tại khu vực ĐBSCL hiện có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800km, trong đó có 55 điểm đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm (Hình 3).

3

Hình 3.  Sơ đồ các vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm

 Nguồn: Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ NN&PTNT, 6/2018. 

           Với các thông tin trên có thể thấy: Xói lở bờ biển đang và sẽ gây các hậu quả lớn về môi trường và xã hội. Vì vậy, đây là một trong các vấn đề môi trường bức xúc cần được khắc phục ở ĐBSCL.
1.4. Sụt lún đất
          Ở ĐBSCL một hiện tượng rủi ro môi trường quan trọng nhưng chưa được quan tâm đúng mức đó là sụt lún đất với mức độ ngày càng nhanh và nghiêm trọng. Báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT (18/06/2019)  cho thấy:  Kết quả nghiên cứu đo đạc sụt lún đất do Bộ TN&MT thực hiện trong giai đoạn 2014, 2015 và 2017 với 339 mốc đo ở TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL so với giá trị cao độ đo năm 2005 có 306 mốc lún, chỉ 33 mốc không lún hoặc nâng. Trong 306 mốc lún, tốc độ lún biến đổi 0,01 - 6,8 cm/năm, trung bình 1,07 cm/năm.
          Căn cứ vào mức độ lún đo được tại 339 mốc đo nêu trên, đã sơ bộ phân vùng theo mức độ lún, gồm vùng có mức độ lún nhỏ hơn 5cm khoảng 12.160km2 (gồm Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An); vùng lún 5 - 10cm khoảng 8.430km2  (Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang); vùng lún lớn trên 10cm khoảng 3.390km2 (TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau). Vùng lún dưới 5cm có 97 mốc, phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tiền Giang 23 mốc, Long An 28 mốc, Kiên Giang 16 mốc. Vùng lún 5 - 10cm, có 72 mốc, phân bố chủ yếu ở tỉnh Sóc Trăng 17 mốc, Kiên Giang 11 mốc, Cần Thơ 9 mốc; tỉnh Vĩnh Long hiện không có mốc có mức độ lún từ 5 - 10cm.
          Mô hình địa chất thủy văn đã được Minderhoud và cộng sự (2017) sử dụng để lượng hóa mức độ sụt lún đất do khai thác nước dưới đất (Hình 4 dưới đây). Kết quả cho thấy các khu vực ở ĐBSCL mức độ sụt lún đất khoảng 30 - 35cm trong vòng 25 năm và tốc độ sụt lún hằng năm vào năm 2015 là 2,5cm ở một số khu vực với cao hơn đáng kể so với khu vực TP. Hồ Chí Minh.

4

(a) Sụt lún đất tích lũy do khai thác nước dưới đất (1991-2016); (b) Tốc độ sụt lún năm 2015.
Hình  4.  Tốc độ sụt lún ĐBSCL do khai thác nước dưới đất

Nguồn: Royal HaskoningDHV - GIZ, Báo cáo cơ sở, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

          Nhiều nghiên cứu trong, ngoài nước cho rằng tình trạng khai nước dưới đất quá mức đã diễn ra nhiều năm nay là nguyên nhân chính gây sụt lún nhanh chóng ở vùng ven biển, bán đảo Cà Mau, vùng trung tâm ĐBSCL và vùng TP. Hồ Chí Minh (theo báo cáo của Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ TN&MT:  Tổng lưu lượng khai thác của các giếng nêu trên khoảng 1,97 triệu m3/ngày, với mật độ khai thác trong các vùng lún biến đổi từ 3 m3/ngày/km2 (An Giang) đến 249 m3/ngày/km2 (TP. Hồ Chí Minh), trung bình toàn vùng khoảng 47 m3/ngày/km2. Ngoài ra, các giếng khai thác nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, ước tính lưu lượng khai thác khoảng 840 nghìn m3/ngày). Tổng thể chung toàn ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh: Ở những vùng không bị lún, có mật độ khai thác nước nhỏ và ngược lại đối với vùng bị lún. Đối với các vùng có mức độ lún khác nhau, vùng lún cao nhất (trên 10cm) có mật độ khai thác nước ngầm lớn nhất (111 m3/ngày/km2)" (tài liệu2 đã dẫn).
           Nghiên cứu gần đây nhất về sụt lún đất được INDRA-GISAT thực hiện (2019) dựa trên dữ liệu vệ tinh inSAR. Hình dưới đây cho thấy, các khu vực ở ĐBSCL có tốc độ sụt lún đất khác nhau: Trong giai đoạn 2014-2019 có những địa điểm với tốc độ sụt lún đất trên 3 cm/năm, một số địa điểm thì sụt lún đất ở mức 5 cm/năm. Tốc độ này cao hơn tốc độ được đo đạc trước đây và theo mô hình hóa về mức sụt lún do khai thác nước dưới đất và cao gấp hơn 10 lần tốc độ nước biển dâng trung bình năm hiện tại.

5

Hình 5.  Kết quả quan trắc sụt lún Vùng ĐBSCL dựa theo phân tích ảnh vệ tinh INSAT.

Nguồn: GIZ - INDRA-GISAT (2019) (trích từ: Royal HaskoningDHV - GIZ, Báo cáo cơ sở: Biến đổi khí hậu, 2/2020).

            Tuy nhiên, quy mô, mức độ tác động làm gia tăng quá trình lún còn phụ thuộc vào đặc điểm các yếu tố tự nhiên và hoạt động của con người: Đặc điểm trầm tích trẻ, đang trong quá trình cố kết, hoạt động tân kiến tạo, quá trình bóc mòn, bồi tụ bề mặt địa hình... và khai thác nước dưới đất quá mức, xây dựng đô thị, công trình hạ tầng, quá trình tác động xung lực của hoạt động giao thông. 
           Với các thông tin trên có thể thấy: Sụt lún đất đang và sẽ gây các hậu quả lớn về môi trường và xã hội. Vì vậy, đây là một trong các vấn đề môi trường quan trọng cần được ngăn ngừa ở ĐBSCL.
1.5. Thổ nhưỡng
          Bản đồ thổ nhưỡng vùng ĐBSCL được nêu ở Hình 6 dưới đây.
          Các nhóm đất chính ở ĐBSCL gồm:
-   Đất phèn (danh pháp WRB - FAO: Ortho - Thionic Gleysols), 1.600.263ha, chiếm gần 41,1% diện tích ĐBSCL): Đặc trưng bởi độ axit cao (pH thấp), hàm lượng nhôm, sắt tiềm tàng (pyrite, FeS2) cao và thiếu lân. Nhóm đất này cũng bao gồm cả các loại đất phèn, nhiễm mặn nặng và trung bình. Các loại đất phèn tập trung lớn nhất tại Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên còn các loại đất phèn mặn tập trung tại vùng trung tâm bán đảo Cà Mau. Nếu loại bỏ lớp nước và thảm thực vật: Pyrit trong đất phèn sẽ bị tiếp xúc với không khí, có thể tạo ra axit sulfuric, gây axit hóa đất và nước.        
          Axit hóa nguồn nước sông, kênh rạch dẫn đến tác hại thủy sinh, cây trồng và cấp nước sinh hoạt là vấn đề đã, đang và sẽ còn tiếp diễn. Đây là một trong các vấn đề môi trường đặc thù ở ĐBSCL.

6

Hình 6.  Phân bố các nhóm đất chính ở ĐBSCL

              Nguồn: Royal HaskoningDHV - GIZ, MDIRP, Tập bản đồ, 2/2021.

-   Đất phù sa sông (Fluvisols), 1.189.396ha (30,4%): Tập trung ở vùng trung tâm ĐBSCL. Loại đất này có độ phì cao, phù hợp với hầu hết các loại cây trồng.
-   Đất mặn (Salic Gleysols) 744.547ha (19,10%): Phân bố ở khu vực ven biển.  Hiện nay do các công trình “ngọt hóa”, lúa được trồng vào mùa mưa; nhiều khu vực đang phát triển nuôi tôm nước lợ. Vùng đất mặn ven biển từ Tiền Giang đến Cà Mau phù hợp phát triển rừng ngập mặn.
-   Các loại đất khác (0,35 triệu ha): Gồm đất than bùn (Histosols) vùng U Minh, đất xám trên phù sa cổ (Plintosols) cực Bắc của ĐBSCL và đất xói mòn trơ sỏi đá (Leptosols) phía Tây Bắc ĐBSCL.  
 
CÁC PHẦN TIẾP THEO:
-  Phần Hai: Đặc điểm tài nguyên nước và thủy văn
-  Phần Ba: Hiện trạng chất lượng và ô nhiễm môi trường nước
-  Phần Bốn: Hiện trạng chất lượng và ô nhiễm môi trường không khí và đất
-  Phần Bốn: Đặc điểm tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học vùng nước ngọt nội địa
-  Phần Năm: Đặc điểm tài nguyên sinh vật, đa dạng sinh học vùng ven biển và biển.
-  Phần Sáu: Phân vùng kinh tế - sinh thái ĐBSCL.

Tác giả: VESDEC

Nguồn tin: Báo cáo ĐMC Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Liên danh Royal HaskoningDHV – GIZ thực hiện cho Bộ KH&ĐT, bản tháng 3/2021, Lê Trình chủ biên).

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây