Tài liệu cập nhật về môi trường tự nhiên Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ năm - 09/06/2022 03:48
Sông Mêcông (đoạn qua Trung Quốc được gọi là sông Lan Thương, đoạn qua Lào và Thái Lan được gọi là Mae Nam Khong, đoạn qua Campuchia được gọi là sông Mêcông và ở ĐBSCL được gọi là sông Cửu Long) là một trong những con sông có lưu lượng lớn nhất thế giới với tổng diện tích lưu vực là 795.000km2, chiều dài 4.909km.

Phần 3: Tài nguyên nước mặt Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

3.1. Lưu vực sông Mêcông
Sông Mêcông (đoạn qua Trung Quốc được gọi là sông Lan Thương, đoạn qua Lào và Thái Lan được gọi là Mae Nam Khong, đoạn qua Campuchia được gọi là sông Mêcông và ở ĐBSCL được gọi là sông Cửu Long) là một trong những con sông có lưu lượng lớn nhất thế giới với tổng diện tích lưu vực là 795.000km2, chiều dài 4.909km. 

Lưu vực sông được chia thành: Vùng thượng lưu từ ngã 3 biên giới Thái Lan - Lào - Myanmar trở lên và vùng hạ lưu từ điểm này ra đến Biển Đông. Toàn bộ diện tích lưu vực Mêcông ở Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam đều nằm ở vùng hạ lưu.
Lưu vực sông Mêcông ở Việt Nam có diện tích khoảng 71.000km2, chiếm khoảng 9% diện tích toàn lưu vực và 20% diện tích Việt Nam[1]. Trong lưu vực có các sông nhỏ nằm trên địa bàn tỉnh Điện Biên rồi chảy sang Lào, một số sông suối ở huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị; sông Sêcông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế với lưu vực gần 3.000km². Trong đó, phần trên lãnh thổ Việt Nam là 750km²; các sông Sê San, Srêpôk có lưu vực nằm trên 5 tỉnh Tây Nguyên.
Tại ĐBSCL: Sông Mêcông trước khi vào vào Việt Nam được chia thành 2 nhánh chính là sông Mêcông(trên lãnh thổ ĐBSCL có tên là sông Tiền) và sông Bassac (trên lãnh thổ ĐBSCL có tên là sông Hậu), sau đó chia ra nhiều nhánh đổ ra Biển Đông.
Diện tích lưu vực Mêcông tại các quốc gia và phần đóng góp về lưu lượng nước của các quốc gia trong lưu vực như sau: Trung Quốc: 165.000km2, 16%; Myanmar: 24.000km2, 2%; Thái Lan: 184.000km2, 18%; Lào: 202.000km2, 35%; Campuchia: 155.000km2, 18%; Việt Nam: 65.000km2, 11% (Theo MRC, 2010Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, 11/2020). Như vậy, phần lớn lưu lượng nước mặt phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở ĐBSCL là từ nước ngoài, một phần từ Tây Nguyên. Đây là vấn đề lớn đối với phát triển KT-XH ĐBSCL.
3.2. Hệ thống sông, kênh rạch tại ĐBSCL
ĐBSCL có hệ thống sông và kênh rạch dày đặc nhất trong lưu vực sông Mêcông, bao gồm hệ thống sông rạch tự nhiên và mạng lưới kênh đào.
3.2.1. Sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu
Hai sông lớn nhất trong vùng là sông Tiền và sông Hậu. Sông Tiền dài 257km tính từ Tân Châu ở biên giới với Campuchia ra đến Biển Đông. Sông Tiền đổ ra Biển Đông theo 6 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Sông Hậu dài 258km tính từ Châu Đốc ở biên giới với Campuchia ra đến Biển Đông; cách bờ biển gần 100km phân thành 2 nhánh lớn đổ ra Biển Đông qua 2 cửa Định An và Trần Đề.
Mặc dầu được gọi là “Cửu Long: 9 rồng” nhưng thực tế từ trên 100 năm nay sông Cửu Long chỉ có 8 cửa đổ ra Biển Đông như đã nêu, trong đó cửa Ba Lai có lưu lượng rất nhỏ.

1
2
Sông Tiền tại Tiền Giang  Sông Cần Thơ, 1 nhánh của sông Hậu, tại Cần Thơ

3.2.2. Các sông khác có nguồn từ khu vực biên giới với Campuchia
Quan trọng nhất trong số sông này là hệ thống sông Vàm Cỏ. Sông này có hai chi lưu lớn là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Prey Veng (Campuchia) rồi hợp lưu tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An tạo nên sông Vàm Cỏ. Sông Vàm Cỏ đổ nước vào sông Soài Rạp, rồi đổ ra Biển Đông.
3.2.3. Các sông ở vùng ven biển
Vùng ven biển là nơi nhận nước các sông từ thượng lưu đổ ra Biển Đông và Biển Tây. Từ Đông Bắc đến Đông Nam các cửa sông chính là: Sông Soài Rạp được hình thành sau hợp lưu giữa sông Vàm Cỏ và Đồng Nai. Tại tỉnh Sóc Trăng, sông Mỹ Thanh từ nội địa đổ vào Biển Đông; trong khi đó ở sát mũi Cà Mau các sông Bảy Háp, Cửa Lớn nối Biển Đông và Biển Tây. Xa hơn về phía Bắc bán đảo Cà Mau: Các sông Cái Lớn, Cái Bé trên địa phận tỉnh Kiên Giang được hình thành từ các hệ thống sông nhỏ bên trong ĐBSCL và đổ ra Biển Tây.
3.2.4. Các sông, kênh lớn nội địa
Các sông chính cũng nhận nước từ nhiều sông nhỏ trong nội địa: Sông Bảo Định và sông Gò Công (nối với sông Tiền); các sông Lấp Vò, Vàm Nao, Măng Thít (nối sông Tiền với sông Hậu), sông Ô Môn, sông Cần Thơ nối với sông Hậu. Ngoài ra, ĐBSCL còn có hàng trăm kênh lớn với độ dài trên 30km: Nguyễn Văn Tiếp, Tháp Mười, Ô Môn - Xà No, Rạch Giá - Long Xuyên, Rạch Sỏi - Vàm Cống, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Vĩnh Tế, Tri Tôn - Ba Thê…và hàng ngàn kênh rạch nhỏ chuyển nước vào các dòng chính. Hiện nay, hệ thống kênh đào dày đặc ở ba cấp độ: Kênh chính, kênh cấp hai, kênh cấp ba với tổng cộng khoảng 66.000km.
3.3. Chế độ thủy văn
3.3.1. Tổng quan
Theo tài liệu của Ủy hội sông Mêcông - MRC (2010)[1] tổng lưu lượng hàng năm trung bình của toàn lưu vực khoảng 460 tỷ m3, tại Kratie: Lưu lượng trung bình tại Kratie là 13.200 m3/s và tổng lưu lượng năm là 416 tỷ m3.
Chế độ thủy văn ở ĐBSCL chịu tác động trực tiếp của dòng chảy thượng nguồn, chế độ triều Biển Đông, một phần của triều vịnh Thái Lan và phân thành 3 vùng chính:
          (i)  Vùng ảnh hưởng chủ yếu từ dòng chảy lũ thượng lưu;
          (ii)  Vùng ảnh hưởng lũ - triều;
          (iii)  Vùng ảnh hưởng triều là chính.
Dòng chảy trên lưu vực sông Mêcông biến động lớn theo hai mùa tương phản khá sâu sắc: Mùa lũ chiếm khoảng 90% tổng lượng nước hàng năm; mùa kiệt chỉ chiếm khoảng 10% tổng lưu lượng, các tháng 3 - 5 thường có lưu lượng thấp nhất.         
-   Mùa lũ với lưu lượng max đạt 38.000 - 40.000 m3/s, gây ngập khoảng 1,2 - 1,9 triệu ha, độ sâu ngập từ 0,5m - 4,5m. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây và trong tương lai lũ lớn hiếm khi xẩy ra.
-   Mùa kiệt lưu lượng min từ 2.000 - 2.400 m3/s nên độ mặn 4 g/L xâm nhập sâu trên dòng chính từ 30 - 70km.
Các chu kỳ và biến động khí hậu tự nhiên - đặc biệt là hiện tượng El Nino dẫn đến biến động dòng chảy lớn theo năm, với những năm bình thường, nhiều mưa (năm 2000, 2001 và 2011) và những năm khô hạn (năm 1998, 2007 và 2016). Biến đổi khí hậu, xây dựng đập thượng nguồn và sử dụng nước đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ dòng chảy sông.           
Theo tài liệu của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam[2]: Trong giai đoạn 1990-2015, lưu lượng dòng chảy trung bình hàng năm của sông vào ĐBSCL theo dữ liệu đo được tại Tân Châu và Châu Đốc là 12.700 m3/s, trong đó qua Tân Châu là 10.109 m3/s và qua Châu Đốc là 2.575 m3/s. Tài liệu của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia[3] thống kê giai đoạn 2000 - 2020 cho thấy lưu lượng trung bình năm thực đo tại Tân Châu và Châu Đốc là 12.571 m3/s, trong đó tại Tân Châu khoảng 10.142 m3/s và tại Châu Đốc khoảng 2.430 m3/s. Tổng lượng nước trung bình năm vào vùng ĐBSCL tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc là 398 tỷ m3 (12.620 m3/s) trong đó tại Tân Châu là 321 tỷ m3, Châu Đốc là 77 tỷ m3.  Tổng lượng nước mùa khô (từ tháng 12 - tháng 5) là 94,3 tỷ m3 (chiếm 23,7% so với cả năm).
Ngoài lưu lượng nước ngọt rất thấp từ các nguồn tại chỗ (nội sinh chỉ 22 tỷ m3/năm do mưa), gần 90% lưu lượng nước vào ĐBSCL là từ thượng lưu (ngoại sinh); mùa khô hoàn toàn phụ thuộc vào thượng lưu. Vì vậy, tài nguyên sinh thái và phát triển KT-XH vùng ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào tài nguyên nước, đặc biệt từ thượng lưu. Từ đó có thể xác định nguồn nước là vấn đề môi trường cần được đặc biệt quan tâm trong quy hoạch phát triển vùng và bảo vệ, sử dụng hợp lý.
3.3.2. Biến động dòng chảy trung bình giai đoạn 2014 - 2018
Số liệu chi tiết về diễn biến 5 năm liên tục (2014 - 2018) về dòng chảy trung bình tháng các sông Tiền (tại Trạm Thủy văn Mỹ Thuận, kinh độ: 105o51, vĩ độ: 10o16) và sông Hậu (tại Cần Thơ, kinh độ: 105o47, vĩ độ: 10o00) do Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn - Tổng cục KTTV cấp (3/2020)[4]. Từ các bảng trên có thể nêu nhận xét, diễn biến dòng chảy sông Tiền và sông Hậu trong 5 năm 2014 - 2018 như sau:
Sông Tiền, tại Mỹ Thuận:
-    Lưu lượng (Q+) trung bình năm 2014: 13.467 m3/s; 2015: 12.292 m3/s; 2016: 13.008 m3/s; 2017: 14.833 m/s và 2018: 14.500 m3/s, cho thấy trong 2 năm 2017, 2018: Lưu lượng nước về hạ lưu cao hơn 3 năm trước đó.
-   Lưu lượng (Q+) trung bình tháng: Thường cao vào các tháng mùa lũ (tháng 8-10) và thấp vào cuối mùa mưa: cao nhất là 22.500 m3/s (tháng 9/2018) và thấp nhất là 10.800 m3/s (tháng 4/2014).
-   Lưu lượng (Q+) cao nhất (max) trong từng năm là: 25.500 m3/s (tháng 8/2014); 21.300 m/s (9/2015); 22.500 m/s (tháng 10/2016); 25.100 m3/s (tháng 8/2017) và 28.400 m3/s (tháng 10/2018).
Sông Hậu, tại Cần Thơ:
-   Lưu lượng (Q+) trung bình năm 2014: 13.575 m3/s; 2015: 12.735 m3/s; 2016: 13.375 m3/s; 2017: 13.925 m3/s và 2018: 14.533 m3/s, cho thấy từ 2014 - 2018: Lưu lượng nước về hạ lưu có dấu hiệu tăng, dù không lớn.
-   Lưu lượng (Q+) trung bình tháng: Thường cao vào các tháng mùa lũ (8-10) và thấp vào cuối mùa mưa: Cao nhất là 19.300 m3/s (tháng  9/2018) và thấp nhất là 10.100 m3/s (tháng 5/2015).
-   Lưu lượng (Q+) cao nhất (max) trong từng năm là: 20.200 m/s (tháng 8/2014); 20/200 m3/s (tháng 8/2015); 20.700 m3/s (10/2016; 21.000 m3/s (tháng 9/2017) và 24.500 m3/s (tháng 9/2018).
So sánh dòng chảy 2 sông Tiền và Hậu:
-  Nhìn chung, lưu lượng (Q+) trung bình năm nước từ thượng lưu về 2 trạm Mỹ Thuận và Cần Thơ là tương đương.
-   Lưu lượng (Q+) cao nhất (max) trong từng năm tại Mỹ Thuận (sông Tiền) cao hơn tại Cần Thơ (sông Hậu) nhưng không nhiều.
-   Thời điểm lưu lượng (Q+) cao nhất giữa 2 trạm đều vào tháng 8 - 10.
3.4. Lũ và ngập lụt
Hàng năm, mùa lũ ở ĐBSCL bắt đầu từ tháng 6, 7 và kéo dài đến tháng 11, 12. Lũ lên xuống chậm, khá hiền hòa, gây ngập lụt phía Bắc vùng ĐBSCL trên diện tích khoảng 1,2 - 1,4 triệu ha (35% diện tích ĐBSCL) vào năm lũ nhỏ và 1,7 - 1,9 triệu ha (48% diện tích ĐBSCL) vào năm lũ lớn, với độ sâu từ 0,5 - 4,5m và thời gian từ 3 - 6 tháng. Biến động trong cả thời gian và đỉnh lũ không lớn từ năm này sang năm khác. Do ĐBSCL rất bằng phẳng, lũ lớn hơn bình thường đã gây ra ngập lụt kéo dài.               
Tuy nhiên theo tài liệu mới nhất của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (tháng 11/2020)[5]: Trong thời gian tới ở ĐBSCL lũ sẽ giảm hơn và sẽ hiếm khi xuất hiện lũ lớn  ở các vùng khác ở Việt Nam, lũ là thiên tai nhưng ở ĐBSCL lũ là nguồn lợi lớn: Cung cấp nước ngọt; cung cấp phù sa; cung cấp nguồn lợi thủy sản; diệt côn trùng; duy trì các hệ sinh thái đất ngập nước. Vì vậy, cần xem xét lại các chủ trương, dự án thoát lũ và cần phát triển các phương án, công trình dự trữ nước ngọt trong mùa lũ cho toàn vùng. Lũ và kiểm soát lũ phù hợp là một trong các vấn đề quan trọng trong quản lý tài nguyên nước ở ĐBSCL.   
3.5. Hạn hán
Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2010 và năm 2019 cho thấy, trong giai đoạn 2015 - 2016, 2019 có các đợt hạn hán ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên lãnh thổ Việt Nam và đặc biệt là ở ĐBSCL. Cùng với khô hạn, xâm nhập mặn nghiêm trọng vào sâu đất liền. Hạn hán và xâm nhập mặn đã gây mất mùa và ảnh hưởng đến đời sống người dân. Khô hạn và xâm nhập mặn trong năm 2020 còn nghiêm trọng hơn các năm trước. Vì vậy khô hạn (và xâm nhập mặn) là các vấn đề môi trường cần đặc biệt quan tâm trong Quy hoạch ĐBSCL.     
3.6. Xâm nhập mặn
Do địa hình thấp, bằng phẳng và ảnh hưởng triều cao vào các tháng trong mùa khô với lưu lượng các sông thấp xâm nhập mặn vào sâu trong cửa sông và vào các kênh rạch nội địa ĐBSCL. Đây là vùng bị xâm nhập mặn lớn và nghiêm trọng nhất cả nước. Xâm nhập mặn càng gia tăng do tác động ngày càng tăng của BĐKH và nước biển dâng. Ranh giới độ mặn 4 phần ngàn (g/L) vào sâu nội địa đến 50 - 55km theo sông Tiền và 40 - 45km theo sông Hậu; phần lớn sông kênh ở bán đảo Cà Mau có độ mặn quanh năm trên 10 phần ngàn.
Trong các năm gần đây xâm nhập mặn trong mùa khô 2015 - 2016 là cao nhất. Tuy nhiên trong năm 2020 xâm nhập mặn tăng cao hơn: Tổng lượng dòng chảy tới vùng ĐBSCL qua hai trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc bị sụt giảm tới 13% so với trung bình nhiều năm và thấp hơn tổng lượng dòng chảy tháng 2/2016 khoảng 5% nên xâm nhập mặn trong tháng 3/2020 tăng mạnh[6].     
Các bảng số liệu chi tiết về thủy văn các sông chính trong 5 năm gần đây và các bản đồ ngập lũ, khô hạn, xâm nhập mặn: không đưa vào tài liệu tóm tắt này.
 
VESDEC thu thập số liệu cập nhật và biên soạn phục vụ Đánh giá môi trường chiến lược Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tháng 11/2020.
 


[1] Ủy hội sông Mêcông, Báo cáo Lưu vực (MRC, State of the Basin Report), 2010.
[2] Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, Số liệu thủy văn ĐBSCL, 1990 - 2015.
[3] Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Tài liệu tham khảo góp ý về Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, 1/2021.
[4] Trung tâm Thông tin và Dữ liệu Khí tượng Thủy văn - Tổng cục KTTV,  Số liệu thủy văn Trạm Mỹ Thuận và Cần Thơ, 2014 - 2018.
[5] Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Tăng Đức Thắng, Báo cáo ĐBSCL trước các thách thức về BĐKH, phát triển thượng lưu, sụt lún đất và định hướng các giải pháp thích ứng, Hội thảo Cần Thơ, 11/2020.
[6]Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mêcông Việt Nam, Báo cáo xâm nhập mặn ĐBSCL, 3/2020.


 

Tác giả: VESDEC

Nguồn tin: VESDEC

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây