Hiện trạng xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia

Thứ sáu - 11/03/2022 11:38
Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14/6/2018, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ đã quy định nội dung và một số nhiệm vụ cơ bản về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, bao gồm: Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện; chính sách, nguồn lực để xây dựng, phát triển; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Các văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia ở Việt Nam.

Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14/6/2018, Nghị định số 27/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đo đạc và Bản đồ đã quy định nội dung và một số nhiệm vụ cơ bản về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, bao gồm: Xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch triển khai thực hiện; chính sách, nguồn lực để xây dựng, phát triển; công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng, tích hợp dữ liệu không gian địa lý; xây dựng, vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Các văn bản trên là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai, phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia ở Việt Nam.

undefined

Hiện trạng xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý

Từ những năm 70 của Thế kỷ XX, thông tin không gian với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và công nghệ vệ tinh đã phát triển rất mạnh. Vào đầu thập kỷ 90 của Thế kỷ XX, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã có những tác động lớn vào quá trình phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia (NSDI). Năm 1994, ông đã ban hành lệnh số 12906 (Executive Order 12906) về điều phối việc quản lý và tiếp cận dữ liệu địa lý theo tư duy hạ tầng thông tin không gian quốc gia. Năm 1996, ông tiếp tục ban hành Quyết định về việc bỏ chế độ nhiễu tín hiệu SA (Selective Availability) đối với hệ thống GPS vào năm 2000 để tăng độ chính xác định vị trong mục đích dân sự. Ủy ban Dữ liệu địa lý Liên bang (FGDC) của Hoa Kỳ đã hoạt động rất tích cực trong phạm vi Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế nhằm quảng bá ý tưởng về NSDI. Năm 1996, Hiệp hội Hạ tầng dữ liệu không gian toàn cầu (GSDI) đã được thành lập với 50 quốc gia tham gia nhằm tạo một diễn đàn quốc tế để trao đổi các ý tưởng về NSDI và khuyến khích hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Sau đó, hầu hết các quốc gia và tổ chức quốc tế đã tập trung nỗ lực vào thiết kế các dự án phát triển NSDI ở từng quốc gia.

Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan QLNN đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ dữ liệu không gian địa lý mang lại. Nhiều năm qua, các bộ, ngành nói chung và ngành TN&MT nói riêng đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu không gian địa lý phục vụ nhu cầu QLNN, phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Chính phủ đã quan tâm đầu tư cho ngành ĐĐ&BĐ, trong đó có 2 Dự án Chính phủ “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:10.000 gắn với mô hình số độ cao phủ trùm cả nước” và “Thành lập cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000 các khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm”. Sản phẩm của các Dự án gồm cơ sở dữ liệu nền địa lý và bản đồ địa hình tỷ lệ 1:2.000, 1:5.000, 1:10.000 đã được bàn giao cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Đến nay, dữ liệu phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia hiện có:

Dữ liệu khung gồm: Dữ liệu về hệ thống các điểm gốc đo đạc quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia; dữ liệu nền địa lý quốc gia, dữ liệu bản đồ địa hình quốc gia; dữ liệu ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám; dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia; dữ liệu bản đồ địa giới hành chính; dữ liệu địa danh. Về cơ bản, các dữ liệu nêu trên đã được xây dựng đầy đủ theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất. Đối với dữ liệu bản đồ chuẩn biên giới quốc gia, Bộ TN&MT đang khẩn trương thực hiện theo kết quả phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và các nước láng giềng.

Dữ liệu chuyên ngành: Dữ liệu địa chính; dữ liệu bản đồ hiện trạng sử dụng đất; dữ liệu bản đồ điều tra, đánh giá TNN; dữ liệu bản đồ địa chất, khoáng sản; dữ liệu bản đồ thổ nhưỡng; dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng; dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm; dữ liệu bản đồ hàng không dân dụng; dữ liệu hải đồ vùng nước cảng biển và luồng, tuyến hàng hải, vùng biển; dữ liệu bản đồ về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với BĐKH; dữ liệu bản đồ giao thông; dữ liệu bản đồ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Số lượng các loại dữ liệu này là rất lớn và thuộc phạm vi trách nhiệm của hầu hết các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các dữ liệu này chưa được xây dựng theo tiêu chuẩn dữ liệu thống nhất, chưa đảm bảo để tích hợp, chia sẻ sử dụng chung trên Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam. Dữ liệu bản đồ hiện trạng công trình ngầm chưa được các bộ, UBND cấp tỉnh triển khai xây dựng.

Về chuẩn dữ liệu và chuẩn dịch vụ

Trong những năm qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về dữ liệu bao gồm: 31 thông tư quy định kỹ thuật về dữ liệu cơ bản và chuyên ngành; 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chuẩn thông tin địa lý cơ sở; 6 quy chuẩn quốc gia về dữ liệu không gian địa lý cơ bản và chuyên ngành; công bố 13 tiêu chuẩn quốc gia về ĐĐ&BĐ cơ bản, 6 tiêu chuẩn quốc gia về ĐĐ&BĐ chuyên ngành xây dựng.

Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật hiện có về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu xây dựng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định kỹ thuật về dịch vụ hiển thị, chia sẻ, chuyển đổi, tích hợp, tra cứu và tải dữ liệu không gian địa lý đang được Bộ TN&MT nghiên cứu xây dựng đồng thời với việc xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam.

Về công nghệ: Các công nghệ tiên tiến được đưa vào áp dụng như: Công nghệ định vị toàn cầu GNSS; đo vẽ bản đồ địa hình đáy biển bằng công nghệ số; ứng dụng công nghệ bay chụp ảnh số, công nghệ đo vẽ ảnh hàng không, ảnh vệ tinh để thành lập bản đồ địa hình, công nghệ bay quét laser kết hợp công nghệ thông tin địa lý (GIS) để xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập bản đồ địa hình quốc gia phủ trùm cả nước.

 Về tồn tại, hạn chế: Phần lớn dữ liệu không gian địa lý chưa được cập nhật kịp thời, do đó chưa phù hợp với thực tế hiện nay và thiếu đồng bộ của các dữ liệu có liên quan; việc tích hợp giữa các loại dữ liệu còn xảy ra mâu thuẫn, chưa thống nhất; còn tình trạng dữ liệu chưa được cung cấp, chia sẻ để sử dụng chung mà do các cơ quan, tổ chức lưu giữ riêng, gây lãng phí và chồng chéo trong xây dựng dữ liệu địa lý.

Chưa có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân phối hợp, tham gia cập nhật, cung cấp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý để tận dụng nhân lực, công nghệ và tài chính của toàn xã hội.

Chưa chú trọng công tác đào tạo về thông tin địa lý ở các cơ sở giáo dục để nâng cao hiểu biết và khả năng sử dụng dữ liệu không gian địa lý vào các công việc phục vụ các mục đích của xã hội và nâng cao dân trí.

Trước yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi ngành ĐĐ&BĐ Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đẩy nhanh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, đảm bảo tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực, toàn cầu.

Nguồn tin: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường

hành chính công trực tuyến
công khai minh bach
bản đồ covid
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây